Đại dịch COVID-19 vốn đã khiến nhiều chuỗi cung ứng lớn bị đứt gãy và khan hiếm nguồn cung linh kiện bán dẫn toàn cầu. Và trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng các thiết bị điện tử sẽ tăng giá cực mạnh khi giá đất hiếm đang tăng lên với tốc độ phi mã.
Tờ Nikkei Nhật Bản mới đây đã đăng tin về một số nguyên liệu ít phổ biến, như neodymium và praseodymium đã tăng giá gần 74% so với cùng kỳ năm trước và đó là chỉ là hai trong số các nguyên vật liệu quan trọng đã tăng giá hơn 50% trong một năm.
Cụ thể, giá của Lithium đã đạt gần 150% so với năm ngoái. Ngoài ra, một số thành phần vật liệu khác, như đồng và thiếc đã lên giá lần lượt 37% và 82%. Nên nhớ đây là hai vật liệu quan trọng cấu tạo nên bo mạch chủ máy tính, do đó giá thành của sản phẩm có thể bị đội lên nhiều trong thời gian tới.
Neodymium và praseodymium được sử dụng trong nhiều thiết bị phổ biến từ những chiếc loa đơn giản, xe ô tô điện cho đến turbine gió. Với việc giá đất hiếm tiếp tục tăng, cũng như chính phủ nhiều nước phương Tây đang chuyển dần sang nền kinh tế xanh không ô nhiễm môi trường và tập trung vào điện khí hóa ô tô, đồng thời cố gắng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dường như đó lại là động thái không đúng lúc chút nào với tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp điện tử.
Các vật liệu khác như terbium oxide thường dùng trong bóng đèn LED, tấm nền màn hình phẳng,tế bào nhiên liệu (fuel cell) nhiệt độ cao, v.v… đã tăng giá hơn 60%. Trong khi đó, nhôm cũng đã lên giá hơn 55%.
Theo báo cáo của Nikkei, Trung Quốc đang nắm 55% thị phần sản xuất đất hiếm và 85% quy trình chế biến đất hiếm toàn cầu. Việc chính phủ nước này đang thắt chặt hoạt động xuất khẩu trong năm nay đóng vai trò một phần nguyên nhân các vật liệu đất hiếm ngày càng tăng giá. Bên cạnh đó, đây có thể là động thái đáp trả của Trung Quốc trước những biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ. Và điều này đã ảnh hưởng xấu đến rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc quên rằng hành động này của mình cũng sẽ chèn ép cả những công ty Trung Quốc. Khi giá nguyên vật liệu càng tăng thì lợi ích của các công ty này càng bị tác động xấu khi hầu hết đa số đều có hợp đồng dài hạn với đối tác kinh doanh của họ và rất khó để thương thảo lại điều khoản hợp đồng đã ký. Nhiều công ty cung ứng vật liệu vừa và và nhỏ tại Trung Quốc hiện đang hứng chịu những khoản thua lỗ nặng nề và có thể phá sản nếu điều này tiếp diễn trong thời gian dài. Các tập đoàn lớn tại Trung Quốc cũng không khá hơn là bao khi họ sẽ nâng giá sản phẩm điện tử đến tay người tiêu dùng để bù lỗ, dẫn đến tình trạng giảm dần doanh số bán ra.
Nói đến việc tăng giá sản phẩm, hiện tại hãng làm loa Sonos của Mỹ đã tăng 10-100 USD tuỳ theo phân loại sản phẩm. Và sau Sonos, chúng ta có thể tận mắt chứng kiến cuộc đua tăng giá chóng mặt từ các nhà sản xuất thiết bị điện tử khác.
Nguồn: TechPowerUp dẫn từ Nikkei.