Đúng với lịch hẹn vào 23h ngày hôm qua, Sony thông qua buổi họp báo trực tuyến trên YouTube đã giới thiệu chi tiết về hệ thống phần cứng của cỗ máy console PlayStation 5 (PS5) với sự trình bày của kỹ sư trưởng Mark Cerny. Theo chuyên gia này, có 3 điểm quan trọng mà Sony tập trung hướng đến cho PS5 đó là thiết bị lưu trữ, bộ vi xử lý SoC và tính năng âm thanh mới của chiếc console này.
Đầu tiên là về thiết bị lưu trữ, Mark Cerny cho biết Sony sẽ sử dụng SSD thay vì HDD như thế hệ PS4 trước đây. Lý do cho việc này là nhằm tăng cường tốc độ giao tiếp dữ liệu giúp các nhà phát triển game có thể truyền tải những gì tinh tuý nhất của mình đến với game thủ đúng với ý đồ của họ. Mỗi chiếc PS5 được trang bị một SSD chuẩn PCIe 4.0 với chip điều khiển do Sony thiết kế. Chip này có 12 kênh bộ nhớ flash và có khả năng truyền tải dữ liệu ở mức tối thiểu 5.5GB/s.
Điều đặc biệt là Sony sử dụng giao diện mạch chủ điều khiển cây nhà lá vườn thay vì NVMe, hỗ trợ 6 cấp dữ liệu ưu tiên thay vì 2 trên NVMe. Về dung lượng lưu trữ, PS5 được trang bị SSD 825GB và có thể mở rộng thêm bằng cách sử dụng ổ HDD rời qua cổng USB hoặc một số SSD M.2 NVMe từ hãng sản xuất thứ ba được Sony cấp chuẩn tương thích. Game trên hệ PS4 cũ có thể chạy trực tiếp trên HDD rời nhưng với PS5 thì game phải được chuyển từ HDD rời vào SSD chính của máy. Các đời máy PlayStation trước đều sử dụng chuẩn nén dữ liệu Zlib trên các nội dung số lưu trên đĩa Blu-ray và HDD. Nhưng với PS5, Sony đã áp dụng chuẩn nén dữ liệu Kraken có khả năng tăng tốc nén/giải nén cấp phần cứng thông qua chức năng phần cứng cố định được tích hợp trực tiếp trên bộ vi xử lý SoC của máy.
Bộ vi xử lý SoC là điểm quan trọng thứ hai mà Cerny nhắc đến trong buổi họp báo trực tuyến của Sony. Theo đó, SoC của PS5 được thiết kế bởi Sony và AMD, nhiều khả năng sử dụng tiến trình 7nm trong quá trình sản xuất. Sony không nói rõ liệu SoC của PS5 là silicon nguyên khối hay bộ module tích hợp nhiều chip xử lý, nhưng nó được cấu tạo từ 3 thành phần CPU, GPU và phức hợp I/O. CPU và GPU của PS5 sử dụng lần lượt nền tảng Zen 2 x86-64 và kiến trúc đồ hoạ RDNA2 của AMD.
CPU này hỗ trợ 8 nhân nhưng Sony không nói gì về việc tích hợp chức năng siêu phân luồng SMT. Xung nhịp tối đa của linh kiện này vào mức 3.5GHz. Trong khi đó, GPU của PS5 là một câu chuyện khác hoàn toàn so với GPU có mặt trên chip xử lý tuỳ biến Velocity Engine của đối thủ Xbox Series X . Theo đó, Sony quyết định tích hợp 36 đơn vị xử lý RDNA2 nâng xung nhịp đồ hoạ lên đến 2.23GHz, trong khi đối thủ Xbox Series X có 52 đơn vị xử lý RDNA2 nhưng xung nhịp chỉ dừng ở mức 1.825GHz. Về khả năng xử lý đồ hoạ tối đa, GPU của Sony lên được tới 10.3 TFLOPs, con số này ở Xbox Series X lên đến 12 TFLOPs.
Cũng trong buổi họp báo này, Sony cũng hé lộ phần nào về tính năng ray-tracing thời gian thực tăng tốc bằng phần cứng mà AMD hỗ trợ trên nền tảng RDNA2. Qua đó, mỗi đơn vị xử lý đều có một linh kiện phần cứng được gọi là “Intersection Engine” có chức năng gần như tương tự với nhân RT của nền tảng NVIDIA Turing khi nó sẽ tính toán sự giao thoa tia sáng với môi trường trong một khung cảnh. Điều này kết hợp cùng bộ khuôn BVH (Bounding Volume Hierarchy) được chuẩn hoá để đạt một số nhân tố dò tia lai tạp trong một khung cảnh 3D truyền thống (khá giống với những gì NVIDIA thực hiện với RTX). Trên PS5, phần cứng ray-tracing của nền tảng RDNA2 được sử dụng cho khả năng định vị âm thanh (positional audio), chiếu sáng tổng thể (global illumination), đổ bóng (shadows), ảnh phản chiếu (reflections) và dò tia hoàn toàn (full ray-tracing).
Thành phần quan trọng cuối cùng của SoC đó là phức hợp I/O. Nó sẽ quản lý toàn bộ các giao thức I/O của chip xử lý, không chỉ là với linh kiện ngoại vi và xuất hình, mà còn là thiết bị lưu trữ và bộ nhớ. Trong phức hợp này có các chip xử lý I/O rời được thiết kế để giảm tải luồng xử lý liên quan đến I/O trên nhân CPU, và giảm độ trễ ở một số giai đoạn nhất định. Ngoài ra, chúng còn có lượng bộ nhớ SRAM đáng kể để lưu nền dữ liệu truyền tải giữa nhiều linh kiện khác nhau trong phức hợp I/O. Và Sony sử dụng tính năng SmartShift của AMD để thực hiện các tác vụ liên quan đến quản lý năng lượng.
PS5 được tích hợp 16GB bộ nhớ GDDR6 và Sony không tiết lộ bất kỳ thông tin gì về xung nhịp bộ nhớ, băng thông hay thậm chí là băng tần bộ nhớ. Tuy nhiên, họ cũng hé mở về tính năng quản lý bộ nhớ. Theo đó, PS5 không phân chia bộ nhớ theo cái cách mà Xbox Series X đã làm, và nhiều khả năng Sony vẫn trung thành với khuôn mẫu hUMA từng xuất hiện trên PS4 (sử dụng buồng bộ nhớ vật lý cho hệ thống và video).
Cuối buổi họp báo, Sony tập trung mọi sự chú ý đến phát kiến mới mẻ của họ: định vị âm thanh. Sony đầu tư rất nhiều về khả năng định vị âm thanh mà qua đó nó có thể đặt trên bàn cân với chức năng có hơi hướng tương tự đã từng xuất hiện trước đây là HRTF (head-related transfer function). Hãng điện tử Nhật Bản đã tận dụng rất nhiều khả năng xử lý của CPU Zen 2 để đạt được điều này.
Tuy nhiên, rất tiếc là Sony vẫn chưa trình làng những hình ảnh đầu tiên của PS5.
Nguồn: TechPowerUp