Nỗi niềm hoài cổ có lẽ đã xuất hiện trong giới game thủ toàn cầu khi thông tin về việc 3dfx Interactive, nhà sản xuất card đồ hoạ hàng đầu một thời sắp trở lại từ cõi chết sau hơn 20 năm đã tràn ngập trong vài ngày qua. Tuy nhiên, theo nhận định từ trang công nghệ TechPowerUp, nhiều khả năng đây chỉ là tin đồn thất thiệt từ mạng xã hội Twitter và ngày 3dfx hồi sinh vẫn còn rất xa hoặc có thể là không bao giờ.
3dfx như chúng ta đã biết, đã bị phá sản vào năm 2000 và sau đó được NVIDIA mua lại, đồng thời nắm luôn toàn bộ thương hiệu và tất cả những gì liên quan đến 3dfx. Trong bài đăng mới nhất của mình, một tài khoản Twitter được cho là giả danh 3dfx thông báo công ty sẽ xuất hiện trở lại sau hơn 20 năm “bay màu” khỏi bản đồ công nghệ thế giới. Tài khoản này cho biết công ty đầu tư tài chính Jansen Products hiện đang sở hữu thương hiệu 3dfx Interactive. Tuy nhiên, TechPowerUp đã tìm hiểu về công ty này nhưng rất tiếc, Jansen Products không phải là công ty đầu tư tài chính từ San Francisco, Hoa Kỳ mà là một công ty xây dựng có trụ sở đặt tại Bỉ. Qua đó, TechPowerUp cho rằng sự trở lại của 3dfx chỉ là một trò đùa ác với giới game thủ gạo cội, đặc biệt những người đã lớn lên cùng thế hệ card đồ hoạ Voodoo nổi tiếng của 3dfx trước đây.
Thiết kế và xây dựng nhân đồ hoạ GPU hiện nay là một công việc cực kỳ khó khăn, ngay cả với những ông lớn máu mặt trong ngành như NVIDIA và AMD. Việc này cần đến nguồn vốn đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) rất lớn để tạo nên một mẫu GPU mang đến hiệu năng cạnh tranh, và một lượng lớn kỹ sư tay nghề cao để thiết kế chip xử lý. Ngay cả khi chip đã hoàn thành, nó vẫn cần đến driver điều khiển và phần mềm hỗ trợ, và chúng cũng là những tác vụ không dễ để đạt được, do đó TechPowerUp tin rằng bài đăng trên Twitter đã đề cập ở đầu bài viết chỉ là động thái câu sự chú ý giả tạo cho một thương hiệu cũ kỹ đã chìm sâu trong tàn tích của ngành công nghiệp đồ hoạ hiện nay. Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng công ty được cho là “3dfx mới” này có thể là một thương hiệu card đồ hoạ custom theo nền tảng của NVIDIA – tương tự như những cái tên ASUS, MSI, Gigabyte hoặc sử dụng công nghệ độc quyền của NVIDIA như EVGA, Palit, Zotac v.v…
Nguồn: TechPowerUp