Sau màn chào sân khá thành công của dòng màn hình gaming VIVANCE với phát súng lệnh mang tên Vivance-01 của mình, mới đây GALAX tiếp tục mang về thị trường Việt Nam dòng màn hình mới có tên PRISMA với định hướng sản phẩm phục vụ đối tượng người dùng văn phòng và giải trí phổ thông. Với hai model PR-01 24″ và PR-02 27″, GALAX kỳ vọng có thể phủ sóng phân khúc màn hình văn phòng dưới 4 triệu đồng. Cơ sở cho GALAX tự tin như vậy nằm ở thông số cấu hình khá ấn tượng đối với một chiếc màn hình dạng này.
Với bộ đôi PR-01 và PR-02, GALAX mang đến cho người dùng một dàn cổng kết nối đáng mơ ước ở một chiếc màn hình văn phòng khi hỗ trợ HDMI, DisplayPort và đặc biệt là USB-C. Không chỉ hỗ trợ sạc ngược theo tiêu chuẩn Power Delivery 3.0 65W, cổng USB-C này còn có chức năng xuất hình giúp hai mẫu màn hình mới của GALAX sẽ là lựa chọn giá rẻ mà người dùng văn phòng không nên bỏ qua, đặc biệt là những ai đang sử dụng laptop muốn mở rộng không gian làm việc cũng như có nhu cầu sạc nhanh cho thiết bị của mình một cách tiện lợi. Chưa hết, tính năng chống nhấp nháy flicker-free và giảm cường độ ánh xanh có mặt trên PR-01 và PR-02 giúp người dùng văn phòng có thể an tâm sử dụng sản phẩm trong thời gian dài mà không bị vấn đề về thị giác. Hơn nữa, tần số quét 75Hz, tấm nền VA độ tương phản cao 3000:1, độ phân giải Full HD 1080p cũng như tính năng chống xé hình G-Sync Compatible của dòng màn hình PRISMA cũng đủ sức đáp ứng nhu cầu giải trí nhẹ nhàng từ người dùng.
Hôm nay, Amtech sẽ tiến hành đánh giá phiên bản PR-01 24″ và xem thử với giá bán lẻ đề xuất 2.990.000 đồng theo công bố từ nhà phân phối Sao Biển, GALAX sẽ mang lại những gì cho người dùng khi mua sản phẩm này về. Dành cho độc giả nào quan tâm tới phiên bản PR-02 27″ thì giá của nó là 3.790.000 đồng.
Thông tin đặc tả kỹ thuật của màn hình GALAX PRISMA PR-01 độc giả có thể tham khảo tại đây.
I – Mở hộp và thiết kế
Cách đóng gói và thông tin bên ngoài hộp của cả hai mẫu màn hình PR-01 và PR-02 là tương đồng, do đó tác giả chỉ demo hình của phiên bản 24″ cho độc giả tiện theo dõi. Ở mặt trước, chúng ta có thể thấy rõ GALAX đặt trọng tâm rất lớn vào ba yếu tố USB-C, 75Hz và Eyecare Technology, qua đó ngầm khẳng định sản phẩm của họ đánh mạnh vào nhóm người dùng văn phòng hiện đại, những người đang sử dụng laptop trang bị cổng USB-C cho việc sạc pin và xuất hình để không gian làm việc thêm rộng rãi. Tần số quét 75Hz hứa hẹn cho trải nghiệm cuộn chuột cũng như giải trí nhẹ mượt hơn đôi chút so với tần số 60Hz truyền thống. Và công nghệ bảo vệ mắt Eyecare Technology cũng được GALAX nêu rõ ở mặt sau bao gồm hai tính năng Low-Bluelight và Flicker-free có tác dụng giảm cường độ ánh sáng xanh gây hại mắt và chống nhấp nháy hạn chế mỏi mắt khi dùng màn hình trong thời gian dài. Bên cạnh đó, mặt sau hộp của PR-01 cũng cho người dùng cái nhìn sơ khai về kích thước màn hình cũng như dàn cổng kết nối bao gồm HDMI, DisplayPort, USB-C và jack âm thanh 3.5mm.
Nếu không tính chân và đế màn hình vào thì phần phụ kiện của PR-01 bao gồm:
- Tờ hướng dẫn sử dụng
- Dây HDMI
- Dây USB-C
- Dây nguồn
- Cây vít bake và 2 ốc bắt chân vào màn hình
Tác giả khá bất ngờ khi ở tầm giá của PR-01, GALAX vẫn rất chu đáo cung cấp cho người dùng dây cáp USB-C để xuất hình và sạc laptop. Hơn nữa, đây là dây USB-C có chất lượng hoàn thiện rất tốt với đầu cắm vỏ kim loại chắc chắn. Bên cạnh đó là lớp vỏ da trơn dễ uốn cong cho phép người dùng có thể dễ dàng đi dây sao cho phù hợp với không gian làm việc của mình. Đến đây, tác giả phải dành lời khen cho GALAX vì không nhiều nhà sản xuất màn hình văn phòng ở tầm giá này chịu đính kèm dây USB-C cho người dùng, và là dây chất lượng tốt chứ không phải dây đầu cắm vỏ nhựa bình thường.
Về thiết kế tổng thể, PR-01 có ngôn ngữ thiết kế tối giản với các góc cạnh được bo thẳng rất tinh tế cực kỳ phù hợp để đặt vào môi trường văn phòng làm việc. Có điểm tác giả chưa thích lắm ở PR-01 là phần chân và đế màn hình có trọng lượng khá nhẹ. Điều này sẽ khiến những thao tác tinh chỉnh màn hình của tác giả làm cho PR-01 bị rung lắc tương đối nhiều. Tuy nhiên, một mặt nào đó nó cũng là một điểm mạnh khi tác giả có thể dễ dàng cầm nắm màn hình để di chuyển màn hình sang môi trường làm việc khác dễ dàng. Nói về chân màn hình, GALAX chỉ khoét duy nhất một khe để người dùng đi dây và không có ngàm để cố định dây. Do đó, người dùng cần chuẩn bị sẵn một số dây velcro để cột dây lại cho gọn gàng nếu muốn không gian làm việc của mình trở nên sạch đẹp hơn.
Bên dưới cạnh phải màn hình là dàn nút điều chỉnh menu OSD của PR-01. Không biết có phải vì vấn đề chi phí sản xuất của GALAX đối với màn hình này hay không mà tác giả khá khó khăn trong việc điều chỉnh thông số màn hình thông qua dàn nút này. Độ phản hồi tín hiệu từ hành động nhấn nút đến hiển thị và tương tác menu OSD trên màn hình có một khoảng độ trễ khá rõ ràng. Tuy nhiên, cần lưu ý ở tầm giá rẻ dưới 3 triệu đồng, độc giả khó có thể đòi hỏi màn hình văn phòng chính hãng như PR-01 được GALAX trang bị joystick để thay thế dàn nút này.
Về khả năng công thái học, PR-01 chỉ hỗ trợ nghiêng màn hình về trước sau và không có xoay trái phải, điều chỉnh độ cao hay xoay dọc 90 độ. Ở tầm giá này, tác giả cũng không trông đợi nhiều lắm về tính công thái học của PR-01.
Dù GALAX không đề cập gì đến treo tường theo chuẩn VESA trên website, nhưng có vẻ như PR-01 cũng hỗ trợ tính năng này khi tác giả đã thấy GALAX bố trí sẵn 4 lỗ bắt ốc ở khu vực ráp chân màn phía sau màn hình. Và theo đo đạc của tác giả, nhiều khả năng PR-01 sẽ đáp ứng khả năng treo tường theo chuẩn VESA 75×75. Qua đó, nó có thể khắc phục được yếu điểm về tính công thái học mà tác giả đã đề cập ở trên. Trong khi đó, mẫu PR-02 27″ sẽ hỗ trợ VESA 100×100. Độc giả nên lưu ý điểm này trước khi đầu tư monitor arm nhé.
Cũng ở mặt sau màn hình, ở góc dưới bên phải chúng ta sẽ có một lỗ khóa Kensington chống mất cắp thường thấy ở đa số màn hình văn phòng hiện nay.
Di chuyển lên phía trên khu vực ráp chân màn một chút là dàn khe thoát nhiệt kiêm loa tích hợp của PR-01. Tuy nhiên, để có trải nghiệm âm thanh tốt nhất độc giả cần chuẩn bị bộ loa rời hay sử dụng tai nghe. Đơn giản là vì như đa phần màn hình có loa tích hợp thường thấy, chất lượng âm thanh của PR-01 chỉ mang tính chất “minh họa” mà thôi.
Ở dưới cạnh màn hình PR-01 là dàn cổng kết nối bao gồm HDMI, DisplayPort, USB-C và jack âm thanh 3.5mm. Như tác giả đã có đề cập ở đầu bài viết, USB-C là điểm sáng của PR-01 mà không nhiều màn hình văn phòng chính hãng ở tầm giá dưới 3 triệu đồng sở hữu. Đặc biệt khi ngày càng nhiều laptop trong năm 2022 đã hỗ trợ sạc cũng như xuất hình qua cổng USB-C, tính năng này càng giúp PR-01 hợp thời hơn vào lúc này.
Đối với Macbook Air 2019 của tác giả, PR-01 cho công suất sạc từ 20% pin rơi vào khoảng 45W đúng với công suất sạc tối đa mà Apple quy định cho mẫu máy này. Trong khi đó, cũng với bài test tương tự, chiếc HP ENVY 13 ba0046TU của đồng nghiệp tác giả đạt công suất sạc 56W. Để kích lên sạc nhanh 65W đúng chuẩn Power Delivery 3.0 (PD) mà PR-01 hỗ trợ, độc giả sẽ phải dùng laptop cho đến khi cạn pin hoàn toàn và cắm sạc lại. Tuy nhiên, thực tế ngoài đời thì rất ít người dùng sẽ làm điều này vì cách sạc như thế rất hại pin khiến độ bền của linh kiện này giảm đi rất nhanh. Ngoài sạc laptop, cổng USB-C của PR-01 có thể dùng để sạc cho các thiết bị di động khác có hỗ trợ sạc nhanh chuẩn PD. Do đó, PR-01 hoàn toàn có thể đóng vai trò một củ sạc cố định tại văn phòng, và người dùng có thể sạc thiết bị của mình bất kỳ lúc nào họ muốn mà không cần phải mang theo củ sạc mỗi khi đi làm. Rất tiện lợi và hữu ích phải không quý độc giả?
II – Menu OSD của màn hình
Với bản chất là màn hình phục vụ nhu cầu văn phòng là chủ yếu, phần menu OSD của PR-01 được làm giao diện tinh giản và không có nhiều tùy chọn chuyên sâu như màn hình gaming hay đồ họa. Mục Backlight cho phép người dùng có thể điều chỉnh độ sáng, tương phản, mức độ giảm cường độ ánh xanh, chế độ màu, tính năng độ tương phản động và chống nhấp nháy. Mục Image chỉ có duy nhất tùy chọn điều chỉnh tỷ lệ hiển thị. Ở hai mục này, tác giả gần như không tác động quá nhiều trừ thông số độ sáng, độ tương phản và chế độ màu trong quá trình sử dụng.
Mục Color là nơi người dùng có thể tùy biến thông số nhiệt độ màu cho phù hợp với nhu cầu hiển thị nội dung của bản thân. Với tác giả, thông số nhiệt độ màu sẽ được chuyển về User qua đó tác giả có thể tùy chỉnh thêm ba giá trị màu đỏ, xanh lá, xanh dương nhằm phục vụ cho việc cân chỉnh màu sắc cho PR-01.
Với mục OSD, người dùng có thể thiết lập ngôn ngữ, độ trong suốt và đặc biệt là vị trí hiển thị của menu OSD. Điều này giúp tác giả có thể dễ dàng cân màu mà vùng cân không bị OSD làm cản trở. Nhất là khi ở chế độ mặc định, menu OSD đã được GALAX đặt ở giữa màn hình, vị trí mà tác giả thường xuyên dùng để làm vùng cân màu chính. Mục Reset thì đúng như tên gọi của nó, trả mọi thông số màn hình trở về mặc định.
Cuối cùng là mục Other. Đây là mục cho phép bạn chuyển đổi nguồn phát tín hiệu đầu vào, tắt loa, điều chỉnh âm lượng loa, kích hoạt G-Sync Compatible và HDR Mode.
HDR Mode trên PR-01 theo như tác giả có thử nghiệm trên nền tảng MacOS lẫn Windows thì thực tế là đây chỉ là cơ chế giả lập HDR chứ không phải là HDR thực sự. Qua hình ảnh so sánh trên, độc giả có thể thấy những gam màu nóng khi bật HDR Mode lên có độ bão hòa được đẩy lên rất cao, khiến chi tiết ảnh bị mất đi rất nhiều. Không biết ý kiến độc giả thế nào nhưng với tác giả, HDR Mode nên được tắt hoàn toàn trong quá trình sử dụng để đảm bảo trải nghiệm hình ảnh tốt hơn.
Còn với G-Sync Compatible, nếu muốn kích hoạt công nghệ này trên PR-01, người dùng cần sử dụng hệ thống máy tính trang bị card đồ họa NVIDIA và dùng kết nối DisplayPort.
III – Thử nghiệm
Trước khi đi qua các bài test chất lượng màn hình, tác giả sẽ trả hết các thông số của PR-01 về mặc định. Theo đó, GALAX đã thiết lập màn hình của mình chạy chế độ Standard, độ sáng 80, độ tương phản 50, nhiệt độ màu Warm. Cần lưu ý là PR-01 vào lúc này đang được tác giả kết nối với Macbook Air 2019 thông qua cổng USB-C.
Công cụ mắt đo được tác giả sử dụng trong bài viết này sẽ là Colorchecker Display Plus do Calibrite sản xuất theo bản quyền từ Xrite. Về cơ bản, mắt đo này không có sự khác biệt quá nhiều về chất lượng hiệu năng so với mẫu Xrite i1 Display Pro được tác giả dùng trong bài viết đánh giá màn hình chơi game Vivance-01 của GALAX trước đây. Phần mềm hỗ trợ cân màu vẫn là DisplayCAL quen thuộc.
Đầu tiên là bài test chất lượng hiển thị trước khi cân màu của PR-01. Ở chế độ mặc định, tác giả đo được độ sáng của PR-01 đạt 218.6 nits, nhiệt độ màu lên rất cao với 7638K so với mức chuẩn 6500K. Trong khi đó, độ chuẩn màu của PR-01 là khá tệ khi trị số lệch màu delta E trung bình là 3.14 và tối đa lên đến 7.62, quá cao so với chuẩn đề nghị lần lượt là dưới 1 và 3. Hơn nữa, khi xét kỹ các dải màu thể hiện của PR-01 thì gần như không có tông màu nào là chuẩn, ngay cả ở dải màu xám được xem là màu dễ nhất để thể hiện độ chuẩn. Điều này cũng dễ hiểu khi PR-01 vốn được thiết kế cho nhu cầu văn phòng và không thiên về đồ họa, do đó tác giả cũng không đòi hỏi quá nhiều về khả năng thể hiện màu sắc trước khi cân của PR-01.
Ở thiết lập mặc định, độ gamma trung bình của PR-01 đạt 1.94, lệch khá xa so với mức chuẩn 2.2. Do đó, nó có thể ảnh hưởng đến độ mượt khi màn hình chuyển từ màu đen sang trắng làm giảm đi trải nghiệm giải trí số đặc biệt là xem phim.
Để cân chỉnh màu cho PR-01, tác giả đã điều chỉnh các thông số như độ sáng xuống còn 120 nits, chuyển chế độ nhiệt màu sang User và tùy biến các giá trị RGB cần thiết và tiến hành cân màu bằng mắt đo rời. Chất lượng màu sắc sau khi cân chỉnh có thể xem là chấp nhận được khi độ lệch màu delta E trung bình đã giảm xuống còn 0.83 và tối đa là 3.96. Các dải màu thể hiện cũng chuẩn hơn một chút dù vẫn có sự sai lệch nhất định ở tông màu đỏ và màu lam. Ngoài ra, nhiệt độ màu của PR-01 cũng giảm xuống 6558K, lệch chỉ 58 đơn vị so với mức chuẩn 6500K.
Độ gamma trung bình của PR-01 sau khi cân chỉnh đạt 2.24 lệch chỉ 0.04 đơn vị so với mức chuẩn 2.2. Đường lượn sóng gamma như độc giả đã thấy, nó đã đều hơn rất nhiều so với mặc định. Qua đó, độ mượt khi màn hình chuyển từ màu đen sang trắng được cải thiện đem lại trải nghiệm hình ảnh khi xem nội dung số tốt hơn nhiều.
Về không gian màu, tác giả đo được PR-01 có độ phủ gamut sRGB 94.1%, AdobeRGB 69.7% và DCI-P3 73%. Bên cạnh đó là gamut volume của từng không gian màu lần lượt là 103.2%, 71.1% và 73.1%. Đây là những con số có thể xem là hợp lý đối với một chiếc màn hình dành cho văn phòng. Nếu thích, bạn có thể tải về profile màu của PR-01 đã được tác giả cân chỉnh tại đây và kết hợp với các thông số màn hình như độ sáng 20, độ tương phản 50, chuyển nhiệt độ màu về User và các giá trị RGB lần lượt là 51, 44 và 42.
Theo như công bố từ GALAX, độ sáng tối đa của PR-01 đạt 250 nits. Tuy nhiên theo đo đạc thực tế bằng mắt đo rời, PR-01 chỉ đạt 238.15 nits khi tác giả đã đẩy thông số độ sáng lên 100. Với cách biệt rất nhỏ chỉ tầm 12 đơn vị, người dùng sẽ rất khó để nhận biết sự khác nhau giữa độ sáng tối đa 250 nits và 238.15 nits nếu không sử dụng mắt đo rời. Và cũng lưu ý, PR-01 là sản phẩm màn hình văn phòng giá rẻ nên khó có thể đòi hỏi nó thể hiện độ sáng tối đa vượt chuẩn công bố từ NSX như màn hình gaming hay đồ họa có chế độ HDR thuần. Hơn nữa, người dùng văn phòng thường xuyên làm việc trong môi trường đầy đủ ánh sáng, nên việc kéo độ sáng màn hình lên tối đa để sử dụng là thiếu thực tế.
Dù sở hữu tấm nền VA, các góc nhìn của PR-01 trừ góc chính diện có độ bệt màu khá rõ ràng. Tuy nhiên, chi tiết ảnh của màn hình GALAX không bị mất đi quá nhiều như màn hình tấm nền TN. Đối với PR-01, để có trải nghiệm sử dụng tốt nhất, góc chính diện vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Cuối cùng là bài test về thời gian đáp ứng và chống mờ hình chuyển động nhanh. Để thực hiện bài này, tác giả dùng website UFO mục Ghosting/Pursuit Camera cùng camera Canon 6D thiết lập ISO 8000, tốc độ màn trập 1/2000, mở khẩu độ F4 để chụp con UFO chạy ngang màn hình. Mục tiêu là UFO càng rõ nét càng tốt, không bị bóng ma ghosting là một điểm cộng.
Với PR-01, GALAX có vẻ như không trang bị tính năng chống mờ chuyển động khi tác giả đã tìm hết các mục trong menu OSD của màn hình không hề có thông số nào liên quan đến chống mờ chuyển động. Do đó, kết hợp cùng thời gian đáp ứng theo công bố là 8ms, tình trạng bóng ma của UFO di chuyển nhanh trên PR-01 khi chụp lại bằng camera ngoài là khá rõ ràng. Vì vậy, nếu có nhu cầu giải trí số quá hardcore thì PR-01 sẽ không phải là màn hình dành cho độc giả rồi.
IV – Lời kết
GALAX PRISMA PR-01 là một màn hình khá lý tưởng dành cho môi trường văn phòng hiện đại khi nó sở hữu thiết kế tối giản tinh tế không quá phô trương, dàn cổng kết nối đầy đủ với điểm nhấn nằm ở USB-C vừa xuất hình vừa hỗ trợ sạc ngược chuẩn PD 65W cực kỳ phù hợp dành cho người dùng laptop sản xuất trong những năm trở lại đây. Chưa kể, PR-01 còn được GALAX tích hợp hai tính năng bảo vệ mắt đáng giá là chống nhấp nháy flicker-free và giảm cường độ ánh sáng xanh Low-Bluelight cho phép người dùng văn phòng sử dụng liên tục không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, với tầm giá dưới 3 triệu đồng, PR-01 phải đánh đổi nhiều thứ để có mức giá hấp dẫn như vậy. Cụ thể, góc nhìn của PR-01 khá hẹp đối với một màn hình sử dụng tấm nền VA, khi các góc nhìn trừ chính diện có độ bệt màu tương đối rõ ràng nhưng không ảnh hưởng đến chi tiết hình ảnh. Khả năng chống mờ hình khi hiển thị đối tượng di chuyển nhanh là chưa tốt khi PR-01 không có tính năng hạn chế tình trạng này cũng như thời gian đáp ứng khá chậm lên đến 8ms. Dù vậy, với việc hỗ trợ công nghệ chống xé hình G-Sync Compatible thông qua kết nối DisplayPort, PR-01 cũng phần nào đáp ứng nhu cầu chơi game nhẹ nhàng, phù hợp cho người dùng văn phòng giải trí sau nhiều giờ làm việc căng thẳng. Nếu độc giả cần tìm giải pháp màn hình văn phòng giá rẻ, GALAX PRISMA PR-01 là một lựa chọn rất đáng để cân nhắc.
- GALAX PRISMA PR-01 có giá bán lẻ đề xuất từ nhà phân phối Sao Biển là 2.990.000 đồng. Tại thời điểm viết bài, giá của màn hình này đã giảm xuống còn 2.690.000 đồng theo chương trình khuyến mãi cuối năm từ nhà phân phối Sao Biển.
- Thiết kế tối giản chuẩn văn phòng.
- Dàn cổng kết nối đầy đủ với USB-C xuất hình và sạc ngược PD 65W làm điểm nhấn.
- Hỗ trợ công nghệ bảo vệ mắt chống nhấp nháy và giảm cường độ ánh sáng xanh.
- Trang bị cáp kết nối USB-C xuất hình/sạc pin chất lượng cao.
- Hỗ trợ treo tường chuẩn VESA 75×75.
- Tích hợp công nghệ chống xé hình G-Sync Compatible thông qua cổng DisplayPort.
- Giá rẻ.
- Góc nhìn chưa được rộng như kỳ vọng.
- Cần được cân chỉnh bằng mắt đo rời để chất lượng màu sắc/gamma ổn hơn.
- Không phù hợp để chơi game hardcore vì tần số quét chỉ 75Hz cũng như thời gian đáp ứng 8ms.