Bên cạnh dòng bo mạch chủ đầu bảng ROG Maximus XII, ASUS tiếp tục cho ra mắt hai dòng bo mạch chủ Z490 ROG Strix và TUF Gaming sử dụng socket LGA1200 hướng đến phân khúc tầm trung cao. Trong đó, dòng ROG Strix mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người dùng khi có đến 7 sản phẩm bao gồm Z490-E, Z490-F, Z490-A, Z490-H, Z490-G (WiFi), Z490-G và Z490-I. Còn TUF Gaming có số model khiêm tốn hơn chỉ là 2 bao gồm Z490-Plus (WiFi) và Z490-Plus. Dù vậy, mỗi dòng đều có những ưu điểm riêng và chúng ta sẽ được biết ngay sau đây.
Đầu tiên hãy nói về các model dòng ROG Strix Z490 trước. Về khả năng cấp nguồn, các đại diện dòng bo mạch chủ này đều sử dụng đầu cắm nguồn ProCool II tương tự như dòng cao cấp Maximus XII qua đó giúp làm giảm trở kháng tránh tình trạng tạo điểm nóng và hư hỏng đầu kết nối. Cũng như các bo mạch chủ trước đây, ASUS cũng sử dụng mạch DIGI+ VRM để đảm bảo khả năng cấp nguồn cho CPU luôn được trơn tru và hiệu quả. Ở model cao cấp nhất là Z490-E, bo mạch chủ này sở hữu kết cấu power stage 14+2 tăng cường tính ổn định cho khu vực cấp nguồn trọng yếu của bo mạch chủ. Kết cấu này cũng từng xuất hiện trên mẫu Maximus XII Hero WiFi thuộc dòng bo mạch chủ cao cấp nhất của ASUS. Về tụ điện và cuộn cảm, ASUS sử dụng linh kiện có độ bền cao đem lại hiệu suất hoạt động lên đến 110% so với tiêu chuẩn ngành.
Điểm đặc biệt ở dòng ROG Strix là các tính năng làm mát linh kiện. Cụ thể ở đây là sự xuất hiện của chiếc quạt mini được gắn gần khu vực VRM để làm mát chủ động các linh kiện ở nơi đây, cho phép chúng hoạt động bền bỉ đem lại hiệu suất chơi game vượt mong đợi. Ngoài ra, thiết kế tản nhiệt cho MOSFET với ống dẫn nhiệt hình chữ U cũng là điểm sáng khi nó giúp việc dẫn nhiệt từ VRM đến tản nhiệt MOSFET được diễn ra nhanh hơn mang là hiệu suất làm việc tốt hơn cho bo mạch chủ. Đóng vai trò làm nền, không thể không nhắc đến sự hiện diện của miếng thermal pad góp phần dẫn nhiệt tốt giữa tản nhiệt và MOSFET. Hơn nữa, một số bo mạch chủ dòng Strix cũng được trang bị tản nhiệt M.2 SSD giúp linh kiện này hoạt động ở nhiệt độ tối ưu cũng như hiệu năng được duy trì ổn định theo thời gian.
Dưới đây là bảng so sánh thông số cũng như các tính năng độc quyền mà ASUS đã tích hợp trong các sản phẩm thuộc dòng ROG Strix Z490:
Trở lại với dòng TUF Gaming, như chúng ta đã biết hiện tại ASUS chỉ có hai cái tên đại diện là Z490-Plus và Z490-Plus (WiFi). Tuy nhiên, đúng với cái tên của dòng sản phẩm mà mình đang là thành viên, cả hai bo mạch chủ này đều sở hữu cho mình khá nhiều tính năng đáng giá tập trung tối ưu cho nhu cầu chơi game đỉnh cao của người dùng mà bạn sẽ được biết ngay sau đây.
Để góp phần mang lại tính ổn định cho hệ thống đặc biệt là linh kiện vi xử lý Intel thế hệ thứ 10, vai trò của các power stage là rất quan trọng. Và ASUS đã trang bị cho bộ đôi Z490-Plus và Plus (WiFi) power stage DrMOS kết cấu 12+2 kết hợp các MOSFET trên dưới và bộ điều khiển vào 1 gói đơn lẻ, mang lại nguồn cấp ổn định và hiệu quả cho các vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 10. Ngoài ra, bo mạch PCB cũng được cải thiện lên 6 lớp thay vì 4 như thế hệ Z390 cùng dòng. Điều này sẽ giúp nguồn điện cấp một cách mượt mà không tì vết qua đó không chỉ cải thiện khả năng ép xung RAM mà còn đem lại nhiệt độ hoạt động của bo mạch chủ luôn ở mức tối ưu. Chưa kể, trong kết cấu PCB của bo mạch chủ TUF Gaming có chứa lớp đồng dày 2 oz tương đương 70µm được ASUS gọi là Stack Cool 3+ cũng góp phần cải thiện hiệu quả tản nhiệt cho bo mạch.
Cũng như dòng Maximus XII hay Strix nói trên, các bo mạch chủ dòng TUF Gaming cũng được ASUS đầu cắm nguồn chuẩn ProCool với công dụng giảm trở kháng tránh tạo điểm nóng gây hư hại cổng kết nối lâu dài.
Ngoài ra, ASUS không quên tích hợp công nghệ tối ưu hoá bộ nhớ đặc trưng OptiMem II trên bo mạch chủ TUF Gaming Z490. Qua đó, công nghệ này sẽ tăng cường độ tương thích và ổn định bộ nhớ RAM DDR4, cho phép chúng chạy ở mức thiệt lập đỗ trễ thấp ở mức điện cấp tương đương cũng như nâng cao mức bus mà bộ nhớ RAM có thể chạy tốt. Nếu trước kia, người đàn anh Z390-PLUS Gaming chỉ có thể chạy RAM mức 4266MHz thì với Z490-Plus, con số này đã được ASUS nâng lên đến 4600MHz.
Chuyển qua các tính năng mang tính ăn chơi một chút của TUF Gaming Z490, riêng với phiên bản WiFi, Z490-Plus được ASUS trang bị module WiFi 6 AX201 tương tự như Maximus XII Hero WiFi. Qua đó, băng thông mạng được nâng lên đến 2.4Gbps và nó tối ưu hoạt động cho người dùng ở khu vực có nhiều mạng không dây nằm chồng chéo thường xuyên bị tình trạng tranh chấp băng thông. Ngoài ra, module này cũng hỗ trợ chuẩn Bluetooth 5.1 thời thượng dành cho các thiết bị không dây hiện nay. Về mạng dây, cả hai bo mạch chủ TUF Gaming Z490 đều tích hợp cổng LAN I219-V của Intel băng thông 1Gbps.
Về các cổng kết nối, TUF Gaming Z490 có hỗ trợ cổng USB 3.2 Gen 2 Type-C cũng như một số cổng USB khác nâng tổng cộng số cổng USB hiện diện trên Z490-Plus và Plus (WiFi) lần lượt là 13 và 12. Hơn nữa, cả hai bo mạch chủ TUF Gaming Z490 còn được tích hợp đầu ra Thunderbolt 3 trên bo mạch hỗ trợ băng thông dữ liệu đến 40Gbps. Qua đó, người dùng có thể kết nối đến 6 thiết bị Thunderbolt theo kiểu nối tiếp daisy-chain từ một đầu ra Thunderbolt 3, và có thể sạc pin cho thiết bị với công suất lên đến 100W.
Tiếp nối hai dòng bo mạch chủ trước, TUF Gaming cũng có tính năng đồng bộ màu sắc LED Aura Sync RGB với 8 chế độ hiệu ứng cho người dùng tuỳ chọn.
Cuối cùng là các chức năng tối ưu dành cho nhu cầu chơi game. Với TUF Gaming Z490, người dùng sẽ có cơ hội trải nghiệm các thông số âm thanh được DTS tuỳ biến riêng dành cho tai nghe chơi game khi nó hỗ trợ 3 chế độ Aerial, Soundscape và Tactical. Trong đó, Aerial tối ưu cho các thể loại game MOBA/RTS/Chiến thuật/Thể thao điện tử khi đó tuỳ chỉnh Front Stereo Preference sẽ được sử dụng. Còn Soundscape ưu tiên cho các thể loại game MMO/RPG/Hành động/Phiêu lưu/Kinh dị và lúc này tuỳ chỉnh Wide Stereo Preference được thiết lập. Và Tactical đúng như cái tên của nó khi chế độ này tối ưu đặc biệt dành cho game FPS/Hành động lén lút và tuỳ chỉnh Traditional Stereo Preference đã có đất diễn cho riêng mình. Trong khi đó, Turbo LAN giúp người dùng điều tiết băng thông mạng hợp lý hơn cũng như tự động nhận diện game để ưu tiên băng thông hoàn toàn cho tác vụ này một cách linh hoạt.
Bên cạnh bo mạch chủ, hệ sinh thái TUF Gaming còn có những linh kiện và gaming gear khác như tản nhiệt nước AiO, bàn phím, tai nghe, card đồ hoạ, chuột chơi game, màn hình và cả vỏ máy tính. Ngoài ra, TUF Gaming còn hợp tác với hơn 20 đối tác trong ngành và hỗ trợ đến hơn 60 sản phẩm tương thích với hệ sinh thái TUF Gaming, có thể kể đến những cái tên đình đám như Cooler Master, Corsair, Thermaltake, Antec, v.v…
Dưới đây là bảng so sánh thông số cấu hình của hai bo mạch chủ Z490-Plus (WiFi) và Z490-Plus với người tiền nhiệm Z390-Plus (WiFi) thuộc dòng TUF Gaming:
Về thời gian bán hàng và giá cả, ASUS sẽ bắt đầu mở bán dòng ROG Strix Z490 và TUF Gaming Z490 của mình vào ngày 13/5 và thông tin giá sẽ được Amtech cập nhật đầy đủ trong bài viết vào thời gian tới.