Dòng vi xử lý Alder Lake 65W như chúng ta đã biết là tập hợp những vi xử lý “non-K” hay khoá ép xung qua đó thường được các dân chơi bỏ qua, vì có quá nhiều thứ cần phải xét đến như bo mạch chủ, cấu hình lai tạp của CPU hay độ tiêu thụ điện lớn khi ép xung. Tuy nhiên, với vi xử lý thế hệ 12 của mình, Intel đã giúp việc ép xung CPU 65W dễ dàng hơn trước, không còn dựa vào chế độ công suất tối đa PL1/PL2.
Nói tóm gọn, bằng việc thao tác bằng tay chỉ số BCLK (Xung bus), xung nhịp CPU đồng thời cũng sẽ thay đổi theo. Với CPU Alder Lake, xung nhịp không còn gán chung với các linh kiện khác như giao tiếp PCIe (PCIe interface), qua đó loại trừ vấn đề bất ổn định thường thấy khi ép xung kiểu này.
Intel Core i5-12400 và i5-12600 đã ép xung bằng BCLK. Ảnh: der8auer.
Tay chơi ép xung nổi tiếng der8auer cho biết anh phát hiện những tuỳ chọn ép xung BCLK có mặt trên các bo mạch chủ ASUS Z690 (trong trường hợp này là ROG Maximus APEX) và chỉ khi người dùng lắp CPU non-K vào hệ thống. Anh này cũng kiểm tra trên bo mạch chủ B660 nhưng tuỳ chọn ép xung BCLK không hiện diện. Theo der8auer, ép xung BCLK hiện đã được xác nhận xuất hiện trên hai bo mạch chủ Z690 APEX và Z690 HERO với BIOS 0811. Trong khi đó, một cái tên khác dù là chipset Z690 nhưng không có tuỳ chọn ép xung BCLK là ROG STRIX Z690-I. Còn các bo mạch chủ ASUS khác thì tay chơi này không chắc lắm về vấn đề này.
Hơn nữa, der8auer cho rằng tuỳ chọn ép xung BCLK có thể chỉ xuất hiện trên bo mạch chủ Z690 cao cấp được trang bị mạch tạo xung ngoài, đây là tính năng thường thấy ở những cái tên thuộc dòng ROG Maximus, ASRock Aqua hay nhiều mẫu bo mạch chủ đắt tiền khác.
Thiết lập ép xung BCLK trên bo mạch chủ ASUS ROG Maximus Z690. Ảnh: der8auer.
Quy trình ép xung BCLK khá đơn giản và trực quan được der8auer thực hiện trong video bên dưới. Theo đó, người dùng cần mở khoá tính năng ép xung BCLK trong BIOS (với BIOS ASUS thì tuỳ chọn đó nằm trong Extreme Tweaker/Tweaker’s Paradise).
Sau đó, kích hoạt profile bộ nhớ XMP II và tuỳ chỉnh xung bus vào khoảng 130MHz. Việc này sẽ tự động hoá quá trình tăng xung bộ nhớ DDR5 và xung bộ nhớ đệm, vì vậy người dùng cần phải hạ 2 thông số này bằng tay. Lúc này, bộ nhớ sẽ có mức xung XMP tối đa đạt chuẩn khuyên dùng và tỷ lệ bộ nhớ đệm thấp hơn 40 tầm 33.
Hiệu năng Cinebench của Intel Core i5-12400 khi ép xung BCLK. Ảnh: der8auer.
Các thiết lập ép xung này sẽ cần được chích nhiều điện hơn, đó là lý do vì sao điện cấp cho nhân/bộ nhớ đệm cần phải được tăng lên tầm 1.35-1.37V theo khẳng định từ der8auer. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những con số tuỳ chỉnh này đều phụ thuộc vào mẫu vi xử lý thử nghiệm, do đó các con số này có thể thay đổi theo từng vi xử lý khác nhau. Với hệ thống của der8auer, công suất tiêu thụ đã nâng lên tối đa 138W và nhiệt độ từng nhân đã chạm mốc 96°C:
Nhiệt độ và công suất tiêu thụ khi ép xung của Intel Core i5-12400. Ảnh: der8auer.
Ngoài Core i5-12400, der8auer còn thử nghiệm ép xung BCLK trên Core i5-12600 khi vi xử lý này sở hữu silicon 6 nhân tương tự như i5-12400 và về cơ bản, i5-12600 được xếp cao hơn i5-12400 trong dải sản phẩm Alder Lake 65W. Nhưng CPU này lại không đạt được kết quả ép xung như i5-12400 qua đó dẫn đến hiệu năng thấp hơn người đàn em trong các bài test hiệu năng.
Cụ thể, i5-12400 và i5-12600 sau khi ép xung lần lượt lên 5.2GHz và 5.1GHz đều có hiệu năng đa nhân Cinebench R20 cao hơn lần lượt 33% và 16% so với khi chưa ép xung.
Biểu đồ hiệu năng Cinebench của i5-12400 ép xung. Ảnh: der8auer.
Trong khi đó về hiệu năng chơi game, tuỳ theo tựa game mà i5-12400 ép xung có thể nằm ở top đầu hoặc giữa bảng xếp hạng các vi xử lý được der8auer thử nghiệm.
Hiệu năng chơi game Battlefield 2042 1080p mức High và PUBG 1080p mức Esport của i5-12400 ép xung. Ảnh: der8auer.
Nguồn: Videocardz dẫn từ der8auer.