Hôm nay, ASUS chính thức trình làng các bo mạch chủ Z490 thuộc dòng ROG Maximus XII cao cấp sử dụng socket LGA1200 của mình bao gồm 5 model Maximus XII Extreme/Extreme Glacial (M12E), Maximus XII Formula (M12F), Maximus XII Hero WiFi (M12H) và Maximus XII Apex (M12A). Như thường lệ, model Extreme vẫn là cái tên đầu bảng của dòng Maximus XII với hệ thống cấp nguồn VRM 16 pha sử dụng các power stage 90A. Ngoài ra, bo mạch chủ này còn hỗ trợ chuẩn kết nối Thunderbolt 3 và Ethernet 10Gb. Tại thời điểm viết bài, Amtech vẫn chưa rõ giữa model Extreme và Extreme Glacial khác biệt những gì, do đó về model Glacial Amtech sẽ cập nhật sau nếu ASUS có công bố thêm thông tin.
Trong khi đó, Maximus XII Formula sẽ là lựa chọn tốt dành cho các tay ép xung với hệ thống tản nhiệt nước khủng. Bo mạch chủ này đã được ASUS tích hợp bộ heatsink cho dàn VRM hỗ trợ sẵn sàng cho tản nhiệt nước. So với Extreme, Formula không được tích hợp card kết nối ThunderboltEX 3-TR nhưng vẫn còn Ethernet 10Gb. Maximus XII Hero WiFi và Apex là những cái tên kế cận tiếp nối sau người anh em Formula nhưng khó để nói bo mạch chủ nào là cao cấp hơn. Nhất là khi Hero WiFi được ASUS ưu ái trang bị bo mạch PCB 8 lớp tương tự như Extreme và Formula thay vì 6 lớp của Apex, cũng như hỗ trợ kết nối mạng Ethernet 5Gb lẫn 1Gb trong khi ở Apex chỉ là Ethernet 2.5Gb. Tuy nhiên, Apex lại hơn đứt Hero WiFi ở kết cấu dàn cấp điện VRM dành cho CPU khi nó có nét tương đồng với bộ đôi Extreme/Formula.
Đi sâu một chút vào hệ thống VRM của dòng bo mạch chủ Maximus XII, chúng đều được ASUS trang bị 16 power stages để đảm bảo cấp điện đầy đủ đến các vi xử lý nhiều nhân (HCC) đặc biệt là khi ép xung và làm việc nặng. Cụ thể, 2 đầu nguồn EPS của bo mạch chủ trong dòng Maximus XII đều đạt chuẩn Procool II đem lại kết nối 12V ổn định. Trong khi đó, 16 power stages sử dụng trong dàn VRM được cung cấp từ Infineon với mã model TDA21490 được định mức chịu dòng đến 90A. Trên mỗi power stage đều đi kèm với cuộn cảm Microfine Alloy từ thẩm cao chịu dòng 45A, bên cạnh đó là các tụ điện nhật có độ bền lên đến 10000 giờ hoạt động ở nhiệt độ cao.
Qua Maximus XII, ASUS cũng giới thiệu cấu trúc năng lượng mới được gọi là Teamed. Theo hãng, Teamed được thiết kế tối ưu dành cho các nền tảng vi xử lý HCC khi nó không còn các bộ doublers (tạm dịch là bộ nhân đôi) để giảm độ trễ và tăng cường tính ổn định cho CPU. Theo diễn giải của ASUS, vi xử lý đa nhân đã ép xung sẽ đặt dàn VRM một lượng tải rất lớn khi chuyển đổi trạng thái tải. Tuy nhiên, thiết kế bo mạch chủ truyền thống sẽ tập trung vào thông số linh kiện mà không để mắt đến việc ứng dụng cấu trúc liên kết mạch cung cấp độ phản hồi có độ trễ tối ưu nhất. Thiết kế trên thường đi kèm với các bộ nhân đôi dẫn đến độ phản hồi có độ trễ cao. Điều này sẽ dẫn đến việc CPU khó ổn định trong quá trình chuyển đổi trạng thái tải.
Về tản nhiệt thụ động cho dàn VRM, cả Maximus XII Extreme lẫn Formula đều được trang bị bộ giáp nhôm IO kết nối trực tiếp với bộ tản nhiệt chính để tăng cường không gian bề mặt dành cho các vi xử lý mạnh mẽ và có thể chịu được mức công suất nạp đến hơn 400W. Đóng vai trò trung gian dẫn nhiệt không thể không kể đến ống dẫn nhiệt đường kính lớn kết nối bộ tản nhiệt cũng như các miếng pad tản nhiệt hiệu số dẫn nhiệt cao đến 6W/m.K. Khác với Extreme, bộ tản nhiệt VRM của Formula còn hỗ trợ tản nhiệt nước mang tên gọi là CrossChill EK III cũng như được tích hợp bộ backplate thép phía sau để gia cố độ bền. Ngoài ra, cả hai bo mạch chủ cao cấp nhất của ASUS đều sở hữu bộ tản nhiệt dành riêng cho khu vực chipset và miếng che kiêm tản nhiệt nhôm dành cho SSD M.2.
Khả năng hỗ trợ RAM bus cao cũng được ASUS hướng đến ở các sản phẩm Maximus XII với công nghệ tối ưu bộ nhớ OPTIMEM III khi nó cho phép chạy bộ kit RAM 4x32GB ở mức xung tối đa đến 3600MHz và độ trễ thấp C16 trong khi các bo mạch chủ khác thường phải đánh đổi yếu tố bus cao cho dung lượng bộ nhớ. Chưa hết, khi kết hợp cùng vi xử lý Intel thế hệ thứ 10 mạnh mẽ, công nghệ OPTIMEM III trên bo mạch chủ Maximus XII có thể giúp bạn ép xung bộ nhớ RAM DDR4 lên đến bus 4700MHz cùng độ trễ CL16, cũng như nâng độ tương thích với hơn 80% kit RAM ép xung lên mức 4600MHz trên thị trường.
Bên cạnh khả năng phần cứng, ASUS cũng không quên tích hợp các công nghệ độc quyền trên các bo mạch chủ Maximus XII như ép xung, làm mát linh kiện và điều tiết băng thông mạng với tên gọi lần lượt là AI Overclocking, AI Cooling và AI Networking. Với AI Overclocking, bo mạch chủ sẽ tự động làm hết các công đoạn ép xung CPU và người dùng chỉ cần chờ đợi và hưởng thụ thành quả. Người dùng có thể kích hoạt chức năng này thông qua BIOS và phần mềm điều khiển AI Suite III. Trong khi đó, AI Cooling sẽ làm mát linh kiện hệ thống một cách thông minh và hạn chế độ ồn nhất có thể, qua đó có thể tiết kiệm đến 37% hiệu suất quạt làm mát cũng như giảm 5dB độ ồn nhưng vẫn đảm bảo CPU hoạt động mát mẻ. Còn AI Networking giúp người dùng điều tiết băng thông mạng hợp lý và linh động hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, như các bản Maximus trước đó, ASUS cũng thêm thắt một số tính năng ăn chơi cho Maximus XII như đồng bộ màu đèn LED Aura Sync, tạo bộ nhớ đệm tăng tốc lưu trữ RAMCache III, màn hình OLED 2” hiển thị thông số hệ thống LiveDash (dành riêng cho Extreme và Formula) và phần mềm điều khiển LED RGB dành cho các sản phẩm ROG Armoury Crate.
Về kết nối, các bo mạch chủ Maximus XII đều được trang bị module Intel WiFi 6 AX201 hỗ trợ các tiêu chuẩn 1024QAM/OFDMA/MU-MIMO và các kênh tần số 160MHz nâng tầm tốc độ lên đến 2.4Gbps. Ngoài ra, module này còn tích hợp Bluetooth chuẩn 5.1 đem lại tốc độ truyền tải dữ liệu gấp 2 lần cũng như nâng tầm phủ song gấp 4 lần so với các chuẩn trước đây.
Riêng với bo mạch chủ Maximus XII Extreme và Formula, cả hai đều được ASUS tích hợp chip mạng Aquantia AQC 107 hỗ trợ chuẩn Ethernet băng thông 10Gbps tốc độ cao hơn 10 lần so với chuẩn Gigabit thông thường. Qua đó người dùng có thể trải nhiệm chiếu phim 4K UHD không nén và sao lưu, truyền dữ liệu nhanh hơn rất nhiều so với trước đây.
Bên cạnh đó, các bo mạch chủ Extreme, Formula và Apex đều được tích hợp chip LAN Intel I225V 2.5G mà chỉ cần dùng cáp mạng chuẩn Cat5e thông thường, người dùng vẫn có thể trải nghiệm chơi game mượt mà, không lag cũng như chiếu phim độ phân giải cao và truyền tải dữ liệu nhanh.
Với vai trò là bo mạch chủ đầu bảng của dòng Maximus XII, Extreme được ASUS ưu ái trang bị card ThunderboltEX 3-TR hỗ trợ cổng Thunderbolt 3 băng thông 40Gb/s và đi kèm công nghệ hình ảnh DisplayPort 1.4, cho phép người dùng truyền tải và hiển thị các nội dung video 8K liên tục. Nó cũng giúp người dùng kết nối lên đến 6 thiết bị hỗ trợ Thunderbolt thông qua cấu hình nối tiếp daisy-chain bằng cáp Thunderbolt.
Chưa hết, Maximus XII Extreme còn hỗ trợ đến 22 cổng USB các loại và 8 cổng SATA đảm bảo khả năng kết nối nhiều thiết bị nếu người dùng có nhu cầu. Trong khi đó các con số trên Hero WiFi, Apex và Formula lần lượt là 17, 18 và 19 với cổng USB và 6, 8, 6 với cổng SATA.
Và cuối cùng, nếu người dùng có nhu cầu lắp nhiều quạt làm mát đồng thời chúng đều có tính năng RGB thì ASUS cũng có một phụ kiện đáp ứng nhu cầu đó là card mở rộng quạt Fan Extension Card II. Tuy nhiên, phụ kiện này hiện chỉ dành riêng cho phiên bản Maximus XII Extreme.
Về thời gian bán hàng và giá cả, ASUS đã bắt đầu mở bán dòng Maximus XII của mình vào ngày 13/5 và thông tin giá sẽ được Amtech cập nhật đầy đủ trong bài viết vào thời gian tới.