HOT [Review] Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB - Bình cũ rượu mới

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 4/1/18.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Vào tháng 10 năm ngoái, NVIDIA đã chính thức ra mắt chiếc card đồ họa mới của hãng thuộc phân khúc tầm trung cận cao cấp GeForce GTX 1070 Ti. Mẫu card này sử dụng chip GPU mới nhất (và có thể là cuối cùng) của nền tảng đồ họa Pascal của NVIDIA. Đã 18 tháng trôi qua kể từ khi NVIDIA tung ra kiến trúc đồ họa Pascal cũng như sự ra mắt của chiếc card chủ lực thời bấy giờ sử dụng kiến trúc này là GeForce GTX 1080, chính xác là từ tháng 5/2016. Trong suốt khoảng thời gian đó, kiến trúc này gần như không gặp bất kỳ mối đe dọa nào đến từ AMD cho đến khi hội "Áo đỏ" tung ra kiến trúc Vega với cặp đôi card đồ họa đại diện là RX Vega 64 và Vega 56 cách đây 4 tháng để cạnh tranh lần lượt cùng GTX 1080 và GTX 1070 của NVIDIA. Tuy vậy, phân khúc cao cấp vẫn thuộc về NVIDIA với hai tượng đài sừng sững GTX 1080 Ti và Titan XP nhưng NVIDIA đã không lường trước được khoảng cách hiệu năng quá lớn giữa GTX 1070 và GTX 1080. Điều này đã giúp AMD, đặc biệt là bộ đôi RX Vega 64 và RX Vega 56 dễ dàng lấp được vào khoảng trống hiệu năng được đối thủ NVIDIA vô tình tạo ra giữa GTX 1070 và GTX 1080.

    [​IMG]

    Đó là lý do chính cho sự ra đời của GeForce GTX 1070 Ti, chiếc card này được xem là chiếc cầu nối giữa hai người đàn anh GTX 1070 và GTX 1080, nhưng hiệu năng thì tiệm cận với GTX 1080 thay vì đứng giữa giữa như đúng vai trò của nó. Đây là điều cần thiết để GTX 1070 Ti có thể đánh bại đối thủ trực tiếp AMD RX Vega 56. Nói sơ về cấu hình chút, trong khi GTX 1070 thiếu đến 5 SM (Streaming multiprocessors) (Mỗi SM tương đương với 128 nhân CUDA) so với GTX 1080 thì người đàn em GTX 1070 Ti chỉ thiếu 1 SM. Cụ thể, số lượng nhân CUDA của GTX 1070 là 1920, GTX 1070 Ti là 2432 còn GTX 1080 là 2560.

    Tuy nhiên, để GTX 1070 Ti không vượt mặt GTX 1080 cũng như vô tình giết chết gà nhà trên mặt trận giá cả hiệu năng (price/performance), NVIDIA bê nguyên si cấu hình bộ nhớ của GTX 1070 chuyển giao cho GTX 1070 Ti. Cụ thể, mẫu card mới của NVIDIA chỉ có dung lượng bộ nhớ GDDR5 8GB với mức xung nhịp 8GHz với băng thông bộ nhớ tốc độ 256GB/s, thay vì bộ nhớ GDDR5X xung nhịp 10GHz (băng thông bộ nhớ 320GB/s) của GTX 1080 cũng như xung nhịp 11GHz (352GB/s) của GTX 1080 bản làm lại (refresh). Nói đến xung nhịp nhân thì GTX 1070 Ti có vài điểm khá thú vị. Chiếc card này có xung nhịp nhân tương tự như GTX 1080 nhưng xung tăng tốc là của GTX 1070. Qua đó mức xung tăng tốc thực tế khi tải ứng dụng (GPU Boost) sẽ có phần nào đó giới hạn lại. Điểm này cũng như khả năng tiết kiệm điện của nền tảng Pascal tốt hơn Vega, là câu trả lời đanh thép nhất của NVIDIA dành cho đại kình địch AMD với bộ đôi RX Vega 64 và 56.

    Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về chiếc card GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB của Galax. Đây là phiên bản tùy biến về bo mạch PCB, thiết kế bộ tản nhiệt của GTX 1070 Ti nhưng về xung nhịp nhân và bộ nhớ sẽ được giữ nguyên theo phiên bản gốc của NVIDIA. Đây là điều kiện do NVIDIA đưa ra dành cho các NSX đối tác trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm card đồ họa GTX 1070 Ti của gã khổng lồ xanh. Nhưng không vì thế mà hiệu năng của card đồ họa Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB không có điểm khác biệt so với bản gốc, nhất là khi nó có mặt lợi thế về bộ tản nhiệt tùy biến và bộ tản nhiệt lồng sóc của NVIDIA chưa bao giờ được đánh giá cao, đặc biệt là trong thời gian sử dụng card lâu dài. Ngoài ra, bộ phận cấp nguồn điện cho GTX 1070 Ti cũng được Galax thiết kế lại trên sản phẩm của mình, qua đó cũng giúp nó có thể có được hiệu năng tốt hơn cũng như khả năng ép xung cao hơn phiên bản gốc về lý thuyết.

    [​IMG]

    Galax GTX GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB có giá tầm 15 triệu đồng và sẽ có mặt trên thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới.

    Nội dung:

    I - Kiến trúc đồ họa
    II - Các tính năng từ kiến trúc Pascal
    III - Unbox và thiết kế
    IV - Hệ thống thử nghiệm
    V - Kết quả benchmark
    VI - Nhiệt độ hoạt động
    VII - Độ ồn
    VIII - Công suất tiêu thụ
    IX - Lời kết
     
    :
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/18
  2. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    I - Kiến trúc đồ hoạ

    Card đồ hoạ GeForce GTX 1070 Ti sử dụng chip GPU GP104 của NVIDIA dựa trên nền tảng kiến trúc đồ hoạ Pascal. GP104 được xem là chip GPU kế thừa GM2014 (xuất hiện trên GTX 980 và GTX 970), và dù chỉ có diện tích chỉ là 314 mm² so với 398 mm² của GM204, GP104 lại sở hữu số lượng transistor lên đến 7.2 tỷ so với 5.2 tỷ của GM204. Để có được điều này, NVIDIA đã chuyển lên tiến trình xử lý 16nm FinFET.





    Kể từ thời Fermi ra mắt đến nay, NVIDIDA càng gia tăng số lượng SM trên các kiến trúc đồ hoạ mới của mình bằng cách thêm nhiều tài nguyên độc lập và giảm bớt tài nguyên chia sẻ bên trong cụm xử lý đồ hoạ (Graphics processing cluster - GPC), qua đó mang lại cải thiện vượt bậc về hiệu năng. Đến thời Pascal cũng thế, như GM204 thuộc nền tảng Maxwell trước đây, GP104 có 4 GPC chia sẻ giao tiếp PCIe 3.0 x16 và băng tần bộ nhớ GDDR5X 256-bit thông qua 8 chip điều khiển. Các chip này hỗ trợ cho cả hai loại chip nhớ GDDR5X và GDDR5.

    Lượng tác vụ giữa 4 GPC được chia sẻ thông qua bộ Engine GigaThread với bộ nhớ đệm 2MB. Mỗi GPC sẽ có 5 SM, cao hơn 1 SM so với lượng SM mà mỗi GPC sở hữu trên chip GM204. Trên card đồ hoạ GTX 1070 Ti, một trong những 20 SM này đã bị khoá. Mỗi GPC chia sẻ bộ raster engine giữa 5 SM. SM này hỗ trợ Engine PolyMorph thế hệ thứ tư, đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xử lý các tác vụ dựng hình. Với nền tảng Pascal, Engine PolyMorph còn được tích hợp tính năng dành cho phần cứng chuyên dụng được gọi là Simultaneous MultiProjection. Mỗi SM đồng thời chứa một tập hợp gồm 8 TMUTMU (Texture mapping unit).

    Ngoài ra, mỗi SM còn sở hữu 128 nhân CUDA. Với việc GTX 1070 Ti có 19/20 SM hoạt động, chiếc card này có tổng cộng 2432 nhân CUDA. Vài thông số quan trọng khác của GTX 1070 Ti là số lượng TMU và ROP (Raster Operation) lần lượt là 152 và 64. NVIDIA cho biết họ đã thiết kế lại chip GPU cho mẫu GTX 1070 Ti để giúp chiếc card này có mức xung nhịp nhân cao hơn nhiều so với những gì mà chip GM204 đã làm được trước đó. Chiếc card này có mức xung nhịp gốc là 1607MHz và xung tăng tốc tối đa là 1683MHz.



    Như đã nói ở trên, GTX 1070 Ti được NVIDIA bê nguyên si thông số cấu hình bộ nhớ từ GTX 1070 qua. Nó có dung lượng bộ nhớ GDDR5 8GB, băng tần bộ nhớ 256-bit, xung nhịp hiệu dụng 8GHz tương đương với băng thông bộ nhớ tốc độ 256GB/s. Con số này thấp hơn nhiều so với 320GB/s và 352GB/s của hai người đàn anh lần lượt là GTX 1080 và GTX 1080 refresh, hơn nữa dung lượng bộ nhớ cũng thấp hơn 3GB so với cả hai. Quan trọng hơn, chuẩn chip nhớ sử dụng của GTX 1070 Ti chỉ là GDDR5 trong khi đó hai cái tên kia lại là GDDR5X cao cấp hơn.



    Kiến trúc Pascal hỗ trợ tính năng Asynchronous Compute theo tiêu chuẩn của Microsoft. Ngoài ra, kiến trúc này còn thêm vào tính năng tương tự của chính mình được gọi là Dynamic Load Balancing.


     
  3. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    II - Các tính năng từ kiến trúc Pascal

    Với việc tập lệnh đồ hoạ Microsoft DirectX 12 đưa ra tiêu chuẩn mới về chế độ đa card khác nền tảng trong đó ứng dụng 3D có thể tận dụng nguồn tài nguyên từ nhiều card đồ hoạ cũng như nền tảng khác nhau, chế độ đa card đồ hoạ trước đây đã được thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên, thay vì hướng đến tương lai trên, NVIDIA lại chú trọng đến công tác R&D vào công nghệ đa card SLI của mình. Với sự gia tăng về độ phân giải cũng như tần số quét màn hình đã làm quá tải băng thông của kết nối màn hình và khả năng giao tiếp giữa các card đồ hoạ trong chế độ đa card, NVIDIA quyết định công nghệ SLI cần thêm nhiều băng thông hơn. Để làm được việc đó, NVIDIA phải để các card đồ hoạ của mình chạy chế độ SLI 2-way (tức 2 card) và sử dụng cầu SLI băng thông rộng (SLI HB bridge) để kết nối hai card đồ hoạ GeForce nền tảng Pascal. Qua đó, chế độ SLI 2-way này sẽ mang lại độ tin cậy cao hơn khi nó có thể dựng hình ở độ phân giải cao với tần số quét nhanh như 4K@60Hz hay 120Hz, và 5K, hoặc các độ phân giải hỗ trợ chế độ HDR. Chế độ SLI 2-way vẫn có thể được kích hoạt khi sử dụng cầu SLI truyền thống khi sử dụng ở bất kỳ độ phân giải nào, tuy nhên điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng khi dựng hình độ phân giải cao, dẫn đến hình ảnh xuất ra sẽ không mượt bằng cầu SLI HB. Đây là lý do chính khiến NVIDIA đã chính thức từ bỏ việc hỗ trợ các chế độ SLI 3-way và 4-way.




    Card đồ hoạ GTX 1070 Ti về lý thuyết vẫn hỗ trợ chế độ SLI 3-way và 4-way thông qua cầu SLI truyền thống đi kèm bo mạch chủ, tuy nhiên chỉ dùng được trên một vài công cụ benchmark. Các bản cập nhật driver gần đây của NVIDIA đã tập trung tối ưu hoá cho chế độ SLI 2-way. Các chip GPU nền tảng Pascal có hỗ trợ chế độ MDA (Multi-display adapter) của tập lệnh đồ hoạ DirectX 12, nhưng NVIDIA vẫn chưa cho biết cụ thể game nào dùng được chế độ này qua nhiều bản cập nhật driver gần nhất. Có vẻ như đây là trách nhiệm thuộc về phía các nhà phát triển game hơn là NVIDIA. Điều tương tự cũng xảy ra với chế độ LDA (Linked display adapter).

    Kiến trúc Pascal còn hỗ trợ các chuẩn kết nối mới bao gồm DisplayPort 1.4 và HDMI 2.0b. Theo đó, bạn có thể trải nghiệm các nội dung số có tích hợp công nghệ HDR. Ngoài ra, NVIDIA dù không hề nói gì đến việc Pascal có hỗ trợ công nghệ hình ảnh AdaptiveSync của VESA như AMD đã làm với tên gọi là FreeSync. Tất cả những gì bạn cần biết là để công nghệ này hoạt động, bạn cần một chiếc card đồ hoạ có các cổng kết nối Display Port 1.2a hoặc HDMI 2.0a (Hai cổng này đều được hỗ trợ bởi card đồ hoạ Pascal khi chúng đều dùng cổng kết nối Display Port 1.4 và HDMI 2.0b vốn là phiên bản nâng cấp của các cổng kết nối kể trên). Do đó, việc hỗ trợ AdaptiveSync hay không trên chip GPU Pascal đều phụ thuộc vào nhà phát triển driver mà ở đây là NVIDIA. Card đồ hoạ GTX 1070 Ti có 5 cổng kết nối bao gồm 1 cổng DVI dual-link, 1 cổng HDMI 2.0b và 3 cổng DisplayPort 1.4. Cổng DVI này không hỗ trợ chuẩn analog do đó bạn không thể sử dụng adapter chuyển từ VGA sang DVI để sử dụng trên màn hình có cổng VGA thế hệ cũ.




    Từ kiến trúc cũ đến mới, NVIDIA luôn đưa ra công nghệ đồng bộ hình ảnh đi kèm. Với nền tảng Kepler, hãng công bố công nghệ Adaptive V-Sync, sau đó là Maxwell với G-Sync, và bây giờ là Pascal với công nghệ Fast Sync. NVIDIA cho biết Fast Sync sẽ có độ trễ thấp hơn nhiều so với V-Sync truyền thống để triệt tiêu hiện tượng xé hình (thường xảy ra khi số khung hình card đồ hoạ xuất ra nhiều hơn so với tần số quét màn hình) trong khi vẫn để card đồ hoạ dựng hình mà không bị V-Sync hạn chế, qua đó giảm độ trễ từ chuột đến màn hình (thường gọi là input lag). Fast Sync hoạt động bằng cách tách rời các bước xử lý dựng hình và xuất hình dựng, cho phép nó lưu trữ lượng khung hình lớn đã dựng sẵn trong bộ đệm khung. Kết quả là hình ảnh khi xuất ra sẽ hạn chế input lag (có được do tắt V-Sync) và không xé hình (khi bật V-Sync). Bạn có thể bật tắt Fast Sync cho ứng dụng 3D bằng cách chỉnh tuỳ chọn V-Sync thành Fast Sync trong NVIDIA Control Panel. (Lưu ý Fast Sync vẫn hỗ trợ trên các card đồ hoạ đời cũ nền tảng Kepler, nhưng bạn phải điều chỉnh trong phần mềm NVIDIA Profile Inspector, tôi sẽ có bài hướng dẫn về cách bật Fast Sync này trong tương lai gần).



    Với nền tảng Pascal, NVIDIA giới thiệu tính năng sử dụng phần cứng mới cho phép khả năng xuất hình chính xác trên nhiều màn hình hiển thị, bằng cách dựng hình liên tiếp các cảnh 3D thông qua nhiều góc nhìn với chi phí dựng hình thấp. Công nghệ này cũng giúp bạn có được trải nghiệm hình ảnh vòm chính xác và thực hơn.



    Đây là một tính năng mang tính cách mạng về nhiếp ảnh trong game. Ansel cho phép bạn dừng game theo thời gian thực để tuỳ chỉnh góc ảnh cũng như các hiệu ứng ánh sáng để chụp lại ảnh screenshot game theo phong cách nghệ thuật hơn. Tuy nhiên, bạn cần phải chơi các tựa game có hỗ trợ Ansel mới có thể sử dụng công nghệ này.



    High Dynamic Range, hay HDR không phải là khái niệm mới trong nhiếp ảnh. Nó cũng không mới mẻ gì trên nền tảng PC Gaming, điển hình là HDR cũng đã có mặt trên các tựa game cũ sử dụng engine đồ hoạ Source của Valve trong những năm 2000, thể hiện qua các hiệu ứng Bloom đơn giản trên những game này. Tuy nhiên, chúng chỉ sử dụng được bảng màu 8-bit, tổng cộng 16.7 triệu màu để giả lập hiệu ứng HDR. Những card đồ hoạ băng thông rộng như GTX 1070 Ti đều hỗ trợ sẵn các bảng màu lớn, như 10-bit (tổng cộng 1.07 tỷ màu) và 12-bit (68.7 tỷ màu), để thể hiện nội dung HDR mà không cần thông qua giả lập bằng phần mềm. Điều này cũng được áp dụng trên các nội dung phim sử dụng bộ giải mã HVEC 10-bit và 12-bit có độ phân giải lên đến 4K ở tần số 60Hz hay khả năng quay phim 10-bit cùng độ phân giải.
     
  4. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    III - Unbox và thiết kế






    Nếu là người sử dụng các sản phẩm card đồ họa của Galax trước đây, đặc biệt là dòng Sniper trắng của hãng, bạn sẽ không khó nhận ra rằng NSX này không hề thay đổi bất kỳ những gì về thiết kế vỏ bọc bên ngoài của GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB. Qua đó, họ sẽ tăng được tính nhận diện sản phẩm của mình đối với khách hàng. Phần phụ kiện của chiếc card này bao gồm:

    • Dĩa driver
    • Sách hướng dẫn
    • Catalogue sản phẩm
    • 2 cáp chuyển đổi dây nguồn: 2 molex 4 pin thành 6 pin, 2 đầu 6 pin thành 1 đầu 8 pin






    GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB của Galax sử dụng lớp vỏ nhôm cùng bộ tản nhiệt tùy biến với hệ thống quạt làm mát 10cm công nghệ Silent Extreme. Theo đó, bộ tản nhiệt của card được làm khá to với 4 ống đồng tản nhiệt được mạ Niken tăng cường khả năng truyền nhiệt ra khỏi nhân GPU. Hơn nữa, hai quạt làm mát của GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB có khả năng chống ồn, qua đó quạt chỉ quay khi nhiệt độ GPU đạt tới mốc 63*C. Ngoài ra, phía sau card Galax cũng trang bị bộ backplate nhôm khá dày để bảo vệ card không bị tác động vật lý dẫn đến hư hỏng cũng như góp phần gia tăng khả năng tản nhiệt cho card.




    Chiếc card của Galax còn hỗ trợ dài đèn LED RGB chạy phía trên đỉnh card cũng như hai quạt làm mát và backplate cho phép bạn có thể tùy chỉnh màu sắc cũng như cách thức hiển thị thoải mái thông qua phần mềm Xtreme Tuner Plus đi kèm trong dĩa cài đặt. Nhìn chung, nếu bạn đã sở hữu chiếc card dòng Sniper của Galax thì hơn 90% thiết kế của GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB so với những người đàn anh trước nó như GTX 1070 hay GTX 1080 không có quá nhiều sự khác biệt về vẻ ngoài. Đó cũng là một cách để tăng mức độ nhận diện thương hiệu mà Galax đã xây dựng, nhưng thiết kế dòng Sniper này có lẽ đã được sử dụng quá lâu rồi, hy vọng rằng ở thế hệ card tiếp theo Galax sẽ có sự thay đổi để mang lại sự tươi mới cho dòng sản phẩm này.



    Dàn cổng kết nối của chiếc card này bao gồm 1 cổng DVI, 1 cổng HDMI 2.0 và 3 cổng Display Port 1.4. Không như các mẫu card đồ hoạ NVIDIA đời trước, cổng DVI này đã không còn hỗ trợ tín hiệu analog, vì thế bạn cần phải sử dụng cổng chuyển đổi adapter chủ động. NVIDIA cũng trang bị các cổng Display Port đạt chuẩn 1.2 và sẵn sàng cho chuẩn 1.3 và 1.4, qua đó người dùng có thể sử dụng để xuất ra màn hình 4K tần số 120Hz (4K@120Hz) và 5K@60Hz, hay 8K@60Hz với hai cáp Display Port. Về âm thanh xuất qua cổng HDMI, GTX 1070 Ti nói chung và Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB nói riêng đều sử dụng cổng HDMI 2.0b cho phép hỗ trợ âm thanh HD và xem phim bluray 3D. Bộ giải mã hình ảnh của card cũng được cập nhật để hỗ trợ bộ mã HVEC hệ 10-bit và 12-bit.




    Độ dày của card tương đối mỏng và chỉ chiếm 2 khe PCI trên bo mạch chủ của bạn, nhưng với độ dài gần 30cm tính luôn cả tản nhiệt thì GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB của Galax sẽ khó lòng lắp đặt trơn tru trong các thùng máy không gian hẹp hay HTPC.




    Với 2 cổng nguồn 6 pin và 8 pin, Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB sẽ có điện năng tiêu thụ tối đa là 300W. Như đã nói ở phần trên, với nền tảng Pascal, NVIDIA đã có một số thay đổi trong cách thức mà chế độ SLI hoạt động. Nói chung, khi xuất hình độ phân giải từ 4K@60Hz trở lên, NVIDIA khuyến nghị người dùng sử dụng cầu SLI HB thay vì cầu SLI truyền thống cho hệ thống 2 card đồ hoạ. Cũng với cầu SLI HB này, NVIDIA cũng không còn hỗ trợ cho các hệ thống SLI từ 3 card đồ hoạ trở lên nữa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/18
  5. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    IV - Hệ thống thử nghiệm

    Cấu hình giản lược:



    Cấu hình chi tiết:


    Chân thành cám ơn Intel, NVIDIA, Galax, Kingston, ASUS, SanDisk và FSP đã giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/18
  6. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    V - Kết quả benchmark

    Vì NVIDIA không cho phép các đối tác sản xuất card của mình thay đổi thông số xung nhịp nhân và bộ nhớ của GTX 1070 Ti nên trong bài test này tôi sẽ đưa thẳng kết quả hiệu năng mặc định so sánh với ép xung luôn. Dưới đây là xung nhịp nhân và bộ nhớ mà tôi đã ép xung thành công trên card đồ họa GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB của Galax:



    Xung nhịp nhân và bộ nhớ thể hiện trên phần mềm GPU-Z và thực tế (Unigine Superposition).

    Với mức chênh lệch xung nhịp nhân và bộ nhớ lần lượt là 11% và 9%, GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB có khả năng ép xung theo tôi là khá tốt, do đó có thể hiệu năng của nó sẽ tốt hơn kha khá so với mức mặc định. Cũng cần phải lưu ý, đây là một trong những chiếc card đồ hoạ dùng tản gió khó ép xung nhất mà tôi từng dùng qua. Không biết có phải do mức xung tăng tốc của card quá thấp hay do chính NVIDIA kìm lại trong quá trình viết BIOS hay driver, mà trong quá trình ép xung chiếc card GTX 1070 Ti của Galax thì tôi có cảm giác lên xung không dễ mà như những card đồ họa khác cùng nền tảng Pascal như GTX 1070 hay 1080. Đây cũng là điều dễ hiểu khi trước đây đã từng có tin đồn cho rằng NVIDIA sẽ giới hạn khả năng ép xung của những chiếc card GTX 1070 Ti để tránh tình trạng gà nhà đá nhau với GTX 1080. Tất nhiên NVIDIA đã có thông báo phủ nhận điều này, nhưng nhìn vào việc ép xung chiếc card GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB của Galax tương đối khó khăn của mình, tôi không cho là NVIDIA không có sự tác động với chiếc card GTX 1070 Ti của mình.

    Trước khi công bố kết quả hiệu năng thì tôi sẽ đưa ra danh sách các bài test cũng như cấu hình của một số game bằng hình ảnh vì không thể mô tả bằng lời (những game dạng này sẽ được tôi đánh dấu *):

    Ashes of the Singularity




    Assassin's Creed Origins





    For Honor





    Grand Theft Auto V





    Middle Earth: Shadow of War





    Rise of Tomb Raider





    Như các bạn đã thấy, hầu hết các game trên tôi đều tắt đi các công nghệ độc quyền như PhysX, GameWorks, PureHair hay HBAO+ trong phần Ambient Occlusion của NVIDIA để đảm bảo kết quả bài test sẽ có tính công tâm hơn, nếu như sau này tôi có mẫu card tham khảo từ AMD thì tiện hơn khi so sánh hiệu năng. Bạn sẽ thấy rằng ở mỗi game tôi đều thiết lập 2 độ phân giải 4K (3840x2160) và 1440p (2560x1440) và chung một thiết lập các tuỳ chỉnh đồ hoạ game trong đó có mục khử răng cưa (Anti-Aliasing) để chế độ tắt. Lý do cho việc này đến từ người tiền nhiệm của GTX 1070 Ti là GTX 1070 vốn chạy tốt các game ở độ phân giải 1440p nhưng khi gặp độ phân giải 4K thì hiệu năng chưa thực sự tốt. Và để chạy tốt game ở độ phân giải 4K, bạn sẽ phải cần đến GTX 1080 hoặc GTX 1080 Ti. GTX 1070 Ti như tôi đã nói ở trên, đóng vai trò là chiếc gạch nối liền GTX 1070 và GTX 1080 nhưng hiệu năng có phần tiệm cận GTX 1080. Còn về vấn đề khử răng cưa thì thực sự ở độ phân giải cao như 1440p hay 4K thì việc tuỳ chỉnh khử răng cưa trở nên thừa thãi, lý do là chưa chắc game của bạn sẽ đẹp hơn nhiều so với lúc để chế độ khử răng cưa tắt mà còn gây ảnh hưởng hiệu năng rất nhiều. Do đó, khử răng cưa trong game chỉ mang tính chất mỹ thuật hơn là thực chiến, liệu bạn có muốn chơi một tựa game với thiết lập chi tiết cao nhất cùng khử răng cưa tốt nhất nhưng số khung hình trung bình (FPS) của game rớt thảm hại so với mặt bằng chung là 60FPS?

    Trong bài test này tôi sẽ thử nghiệm chiếc card Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB ở 2 độ phân giải 1440p và 4K để xem thử hiệu năng của nó sẽ ra sao, tất nhiên ưu tiên hàng đầu trong bài test hiệu năng là đảm bảo mức FPS trung bình của các phép thử phải tiệm cận, bằng hoặc hơn 60FPS.

    Sau đây là kết quả benchmark của GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB ở chế độ xung nhịp mặc định và ép xung:




    Tương tự như người đàn anh GTX 1070, GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB có hiệu năng rất tốt với các phép thử ở độ phân giải 1440p khi kết quả FPS đều tiệm cận hoặc vượt mức 60 FPS lý tưởng. Tuy nhiên, khi kéo độ phân giải lên 4K, chỉ 3 tựa game Ashes of the Singularity DX12, Assassin's Creed Origins và Middle Earth: Shadow of War có FPS trung bình không vượt quá 50 ở xung nhịp mặc định. Đây cũng là điều tương đối dễ hiểu khi mà Assassin's Creed Origins và Middle Earth: Shadow of War vốn đã chứng tỏ mình là sát thủ phần cứng trong một số bài viết đánh giá game trên các website chuyên game như GameSpot, Kotaku hay IGN. Còn Ashes of the Singularity dù FPS trung bình chỉ là 50 ở chế độ xung nhịp mặc định nhưng thực tế đây là game chiến thuật thời gian thực, yếu tố FPS cao không thực sự quá quan trọng như game bắn súng góc nhìn thứ nhất hay game hành động nhập vai. Và sau khi ép xung lên, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi với hai tựa game hạng nặng kia riêng với Ashes of the Singularity đã gần chạm ngưỡng tối ưu 60 FPS với FPS trung bình 54. Nhìn chung, với chiếc card GTX 1070 Ti của Galax nói riêng cũng như đa số card đồ hoạ GTX 1070 Ti nói chung, thiết lập game ở độ phân giải 1440p sẽ phát huy khả năng thực chiến tốt nhất dành cho chúng, riêng độ phân giải 4K thì có lẽ GTX 1070 Ti vẫn chưa đủ tầm để chinh phục dù trên lý thuyết chiếc card này đã gần tiệm cận với người đàn anh GTX 1080, và nên nhớ ngay cả GTX 1080 cũng đã phải gặp khá nhiều khó khăn khi chạy độ phân giải 4K với nhiều tựa game đỉnh rồi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/18
  7. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    VI - Nhiệt độ hoạt động

    Điều kiện test

    Do forum không cho post quá nhiều ký tự nên nội dung file log nhiệt độ được tôi upload lên MediaFire, các bạn có thể down về tham khảo và đối chiếu.

    Mặc định

    Mã:
    http://www.mediafire.com/file/taz8bn8x2xt3t3q/df%2837%29.txt
    Min: 41*C, Max: 70*C
    
    Ép xung

    Mã:
    http://www.mediafire.com/file/2u0pbfnqimr74ux/oc%2837%29.txt
    Min: 35*C, Max: 70*C
    
    Theo kinh nghiệm của tôi thì nhiệt độ lý tưởng khi full load là < 79*C ở phòng bình thường và <75*C ở phòng máy lạnh. Với việc nhiệt độ không vượt quá 70*C trong cả hai trường hợp, chip GPU của Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB vẫn kế thừa truyền thống tiết kiệm điện từ nền tảng Pascal, cũng như bộ tản nhiệt do Galax thiết kế cho nó rất tốt qua đó bạn không cần phải quá quan tâm về vấn đề nhiệt độ của chiếc card này.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/18
  8. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    VII - Độ ồn

    Điều kiện test




    Theo bảng dải độ ồn dưới đây, độ ồn quạt tối đa mà Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB sinh ra nằm ở mức chấp nhận được, đặc biệt độ ồn sẽ còn giảm xuống nếu bạn lắp vào thùng máy đậy nắp lại. Nên nhớ là khi test chiếc card này tôi đã dùng hệ thống benchtable.

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/3/18
  9. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    VIII - Công suất tiêu thụ

    Điều kiện test

    Mặc định




    Ép xung




    Với công suất đo được tối đa trong trường hợp ép xung chưa vượt qua mức 400W, không lạ khi Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB có điện năng tiêu thụ thấp khi nó là một sản phẩm thuộc nền tảng GPU Pascal chuyên tiết kiệm điện. Cần lưu ý đây là công suất tổng thể của cả hệ thống với chip xử lý i7-4790K đang ép xung ở mức 4.5GHz cùng nhiều linh kiện khác như quạt làm mát, đèn LED và ổ lưu trữ. Vì thế với chiếc card của Galax, thực tế bạn chỉ cần một bộ nguồn công suất thực tầm 500W trở lên là có thể an tâm sử dụng rồi. Tất nhiên, nếu có ý định thay đổi lên đời card trong tương lai, tôi khuyên bạn nên sử dụng bộ nguồn có công suất thực từ 650W trở lên, vì hiện tại chiếc card cao cấp nhất của NVIDIA gồm Titan XP là GTX 1080 Ti đã tốn điện năng tối đa lên tới 500W rồi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/18
  10. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    IX - Lời kết

    [​IMG]
    • Galax GTX 1070 Ti EX-SNPR White 8GB có giá bán tham khảo khoảng 15 triệu đồng.

    [​IMG]
    • Thiết kế đẹp, tinh tế đúng chuẩn mực dòng Sniper của Galax.
    • Khả năng ép xung tốt.
    • Hiệu năng mặc định ép xung trên các game ở độ phân giải 1440p rất tốt.
    • Nhiệt độ hoạt động mát mẻ.
    • Trang bị backplate bảo vệ mặt sau card.
    • Trang bị dải đèn LED RGB có thể tùy chỉnh bằng phần mềm Xtreme Tuner Plus.
    • Không quá ồn nhờ công nghệ quạt Silent Extreme.
    • Điện năng tiêu thụ thấp kể cả ép xung, chỉ cần bộ nguồn công suất thực 500W là đủ.

    [​IMG]
    • Xung nhân và bộ nhớ vẫn giữ nguyên do ràng buộc từ NVIDIA.
    • Hiệu năng game ở độ phân giải 4K chưa ổn với các tựa game hạng nặng như Assassin's Creed Origins và Middle Earth: Shadow of War.

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/18

Chia sẻ trang này