HOT [Review] Galax GTX 1050 Ti EXOC 4GB - Thiết kế đẹp, có nguồn phụ nhưng ép xung chưa ngon.

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 18/11/16.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Vào thời điểm này, có lẽ chúng ta đã được chứng kiến sự đổ bộ hàng loạt của các sản phẩm card đồ họa GTX 1050 Ti từ các hãng sản xuất từ ASUS, Gigabyte, MSI, Zotac... Dù theo thông số gốc, GTX 1050 Ti được NVIDIA xác định là card đồ họa không nguồn phụ nhưng nhiều hãng sản xuất vẫn tích hợp thêm một đầu nguồn PCIe 6 pin để cấp nguồn cũng như tăng cường khả năng ép xung cho card. Và Galax GTX 1050 Ti EXOC 4GB là một trong những chiếc card như vậy.

    [​IMG]
    Thực ra đây là động thái không hề mới đối với các nhà sản xuất card đồ họa. Còn nhớ, người tiền nhiệm cách đây hai đời của GTX 1050 Ti là GTX 750 Ti cũng được các hãng thêm thắt nguồn phụ vào dù bản thân chiếc card này vốn không cần nguồn phụ để hoạt động. Với người dùng bình thường mà nói, việc thêm đầu cắm nguồn 6 pin khiến cho chiếc card đồ họa hiện đang chiếm giữ ngôi vị vua không nguồn phụ như GTX 1050 Ti xa rời đi bản chất vốn có của nó. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác nếu những chiếc card GTX 1050 Ti như thế này được trao đến tay người dùng chuyên sâu đặc biệt là dân ép xung. Và đó là lý do mà tôi sẽ bỏ qua phần mở hộp mà vào thẳng phần chính là hiệu năng của chiếc card đồ họa Galax GTX 1050 Ti EXOC 4GB mà tôi nhận được từ nhà phân phối Sao Biển. Giá bán của chiếc card này là tầm 4.7 triệu đồng tùy nơi bán.

    Sau đây là một số hình ảnh về chiếc card này được studios của Amtech chụp lại, bạn có thể click vào từng ảnh để phóng to hình lên:

    Dưới đây là thông tin cấu hình sơ bộ của Galax GTX 1050 Ti EXOC 4GB so sánh với những chiếc card khác cùng phân khúc, tiếc rằng tôi không tìm được giá của chiếc card này ở thị trường nước ngoài.

    [​IMG]

    I - Hệ thống thử nghiệm

    Cấu hình giản lược


    [​IMG]
    Cấu hình chi tiết


    [​IMG]
    Chân thành cám ơn các đối tác Intel, Galax, Kingston, SanDisk và AcBel đã hỗ trợ thiết bị để chúng tôi hoàn thành bài viết này.


    II - Kết quả benchmark

    Các thiết lập cấu hình về game và trình benchmark đã được tôi đưa ra trong bài viết đánh giá card đồ họa Zotac GTX 1050 Ti Mini 4GB. Bạn có thể click vào đường dẫn này để xem lại.

    Benchmarks

    Games

    Sau đây là kết quả test card đồ họa GTX 1050 Ti EXOC của Galax:


    [​IMG]
    [​IMG]
    Dù được ép xung sẵn khá cao nhưng hiệu năng mang lại của Galax GTX 1050 Ti EXOC vẫn chưa cho thấy lợi thế nào nếu so với mặt bằng chung card đồ họa GTX 1050 Ti không sử dụng nguồn phụ. Hầu hết các bài test đều cho kết quả không cao hơn là bao với mức độ chênh lệch chỉ từ 1-3 FPS tùy game. Bạn đọc có thể tham khảo hiệu năng của một chiếc card GTX 1050 Ti không nguồn phụ như Zotac GTX 1050 Ti Mini tại bài viết này để làm cơ sở đối chiếu vì tôi không có ý định làm biểu đồ so sánh cả hai sản phẩm trong phạm vi bài viết đánh giá của Galax GTX 1050 Ti EXOC.

    Với lợi thế sử dụng nguồn phụ, chiếc card GTX 1050 Ti của Galax được kỳ vọng sẽ có khả năng ép xung về lý thuyết là rất cao. Với mức xung nhịp nhân được ép lên đạt 1524MHz, cao hơn mức xung gốc 13% thì đúng là chiếc card của Galax ép xung cao thật nhưng bất chợt tôi lại liên hệ lại đến mẫu GTX 1050 Ti Mini của Zotac không nguồn phụ ở bài viết trước để kiểm tra thì kết quả khá bất ngờ. Một lần nữa, chiếc card của Galax có mức xung nhân khi ép xung cao hơn của Zotac nhưng mức chênh lệch không thực sự đáng kể chỉ là 20MHz. Tôi không bàn đến xung bộ nhớ vì theo như TechPowerUp, NVIDIA đã khóa mức xung nhân tối đa là 2002MHz ở cả hai mẫu card GTX 1050/1050 Ti của họ. Do đó, tất cả các card đồ họa GTX 1050/1050 Ti của các hãng trên thị trường đều không thể ép xung bộ nhớ vượt qua mốc này.

    [​IMG]
    Dù có hơi thất vọng về khả năng ép xung nhân của Galax GTX 1050 Ti EXOC nhưng chúng ta hãy xem thử sau khi ép xung, mẫu card của Galax sẽ tăng hiệu năng lên như thế nào:

    [​IMG]
    [​IMG]
    Sau khi ép xung, chiếc card Galax GTX 1050 Ti EXOC có mức hiệu năng chênh lệch cao nhất là 5 FPS và thấp nhất là 4 FPS trên các bài test game. Theo tôi đánh giá, mức chênh lệch 5 FPS thực sự chưa đáng kể, thậm chí được cho là thấp nhất là khi mẫu card của Galax đã được hãng thêm thắt nguồn phụ. Nên nhớ rằng, phiên bản GTX 1050 Ti gốc của NVIDIA là không có nguồn phụ, và mẫu card GTX 1050 Ti Mini của Zotac cũng sử dụng lại kiểu thiết card này từ NVIDIA nhưng nó lại cho kết quả ép xung gần bằng với mẫu card của Galax. Do đó, trừ khi Galax tung ra phiên bản card mới hơn hay phát triển một bản BIOS chuyên ép xung cho mẫu GTX 1050 Ti EXOC của mình, người dùng sẽ chuyển sang chọn những card đồ họa GTX 1050 Ti không nguồn phụ sẽ kinh tế và hợp lý hơn.

    III - Nhiệt độ hoạt động

    Điều kiện test

    Do forum không cho post quá nhiều ký tự nên nội dung file log nhiệt độ được tôi upload lên MediaFire, các bạn có thể down về tham khảo và đối chiếu.

    Mặc định

    Mã:
    https://www.mediafire.com/?s7giav114pfvp3o
    Min: 34*C, Max: 55*C
    
    Ép xung

    Mã:
    https://www.mediafire.com/?s7giav114pfvp3o
    Min: 34*C, Max: 51*C
    
    Theo kinh nghiệm của tôi thì nhiệt độ lý tưởng khi full load là < 79*C ở phòng bình thường và <75*C ở phòng máy lạnh. Có lẽ khi nhìn các mức nhiệt độ ở phía trên, tôi không cần phải nói quá nhiều về phần nhiệt độ của Galax GTX 1050 Ti EXOC, đơn giản là vì nó đã hoàn thành quá tốt bài test này rồi.

    IV - Độ ồn

    Điều kiện test

    Tốc độ quạt tự động


    Tốc độ quạt tối đa 100%


    Theo bảng dải độ ồn dưới đây, độ ồn tối đa mà GTX 1050 Ti EXOC trong cả hai trường hợp đo được nằm ở mức "Trò chuyện bình thường". Do đó, bạn có thể chơi game hay làm việc nặng với chiếc card này thoải mái mà không cần quan tâm nhiều đến độ ồn của nó.

    [​IMG]

    V - Công suất tiêu thụ

    Điều kiện test

    Mặc định


    Ép xung


    Cả hai trường hợp, Galax GTX 1050 Ti đều không vượt qua mốc điện năng tiêu thụ 200W dù chiếc card này sử dụng đầu nguồn phụ. Vì vậy, chỉ cần một bộ nguồn công suất thực tầm 350W là hệ thống của bạn có thể yên tâm khi sử dụng card đồ hoạ của Galax trong thời gian dài.

    VI - Lời kết


    [​IMG]
    • Galax GTX 1050 Ti EXOC 4GB có giá thị trường là 4.7 triệu đồng.

    [​IMG]
    • Thiết kế khá đẹp với bộ tản nhiệt 2 quạt 8cm làm mát rất hiệu quả.
    • Hiệu năng khá tốt ở độ phân giải Full HD 1080p.
    • Quạt quay êm khi hoạt động bình thường lẫn kéo tốc quạt tối đa.
    • Trang bị 4GB bộ nhớ VRAM.
    • Độ tiêu thụ điện thấp nhất là khi card có nguồn phụ.
    • Nhiệt độ trong hai trường hợp mặc định và ép xung tốt.

    [​IMG]
    • Thêm đầu nguồn phụ 6-pin nhưng khả năng ép xung chưa đạt kỳ vọng.
    • Hiệu năng sau khi ép xung chưa ấn tượng nếu so sánh với card đồ hoạ cùng nhân nhưng không dùng nguồn phụ.
    • Giá không rẻ nếu so với card đồ hoạ GTX 1050 Ti không nguồn phụ nhưng hiệu năng chỉ thua kém một chút.
     
    :
    Chỉnh sửa cuối: 29/11/16
  2. tranhoang559987

    tranhoang559987 Member

    Bài viết:
    61
    Đúng thông tin mình cần , đang tìm kiếm bữa giờ mà chưa thấy
     

Chia sẻ trang này