HOT [Review] Đánh giá Gigabyte GTX 1080 G1 Gaming 8GB - Thiết kế ngầu, hiệu năng 4K tốt và mát mẻ

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 12/7/16.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    NVIDIA ngày càng cho thấy vì sao họ hiện là nhà sản xuất chip đồ họa hàng đầu thế giới khi xét đến hiệu năng cũng như khả năng tiết kiệm điện ở từng thế hệ sản phẩm card đồ họa. Đã trải qua hơn 3 thế hệ trong khoảng 4 năm tính từ năm 2012, đội ngũ nghiên cứu và phát triển chip (R&D) hãng điện tử Đài Loan luôn tung ra các dòng GPU (chip đồ họa) có xu hướng tiết kiệm điện năng hơn. Năm 2012, chúng ta có dòng GPU "Kepler", kết đến 2014 là "Maxwell" được giới công nghệ tán thưởng vì hiệu năng cũng như độ hao tổn điện năng tuyệt vời của nó. Và bây giờ, NVIDIA tiếp tục trình làng dòng GPU "Pascal" mới của hãng trong năm 2016 tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ 2 thế hệ GPU anh em tiền nhiệm của nó về hiệu năng cũng như khả năng tiết kiệm điện.

    Kiến trúc đồ họa Pascal xuất hiện lần đầu trong tháng 4 năm nay tại sự kiện thường niên của NVIDIA với đại diện đầu tiên là GPU GP100 xuất hiện trong card đồ họa máy trạm Tesla P100 HPC. Phiên bản GPU dân dụng GP104 chỉ mới được gã khồng lồ xanh ra mắt cách đây 2 tháng, và nó chính là GPU của card đồ họa đầu bảng GeForce GTX 1080 cũng như GeForce GTX 1070. Hiện cả hai card đồ họa này đều đã được bán ra với giá khởi điểm lần lượt là 600$ và 450$.

    GTX 1080 về lý thuyết là card đồ họa kế thừa GTX 980 và giá của nó cũng không quá cao so với người tiền nhiệm. GTX 1080 như đã nói, nó sẽ có giá bán khởi điểm là 600$ trong khi đó vào thời điểm ra mắt, GTX 980 đã được định giá là 549$. NVIDIA đã định vị GTX 1080 là card đồ họa đơn nhân mạnh nhất thế giới và đây có thể xem là động thái tiếp thị khá thông minh của hãng điện tử Đài Loan.

    Từ xưa đến giờ, giá cả phiên bản card mẫu (reference design) được xem là giá sàn tham khảo cho bất kỳ nhà sản xuất card đồ họa nào tham khảo để định giá sản phẩm của mình. Hiện tại, NVIDIA cho phép các đối tác của hãng có thể bán phiên bản card mẫu này với giá 699$ cao hơn giá khởi điểm trước đây của GTX 980 Ti, GTX 780 Ti, v.v... Gã khổng lồ xanh đặt tên cho nhánh sản phẩm này là "Founders Edition" và tạm thời chúng ta chỉ được thấy GTX 1080 là card đồ họa có trong nhánh này. Phiên bản tùy biến (custom) của GTX 1080 có giá khởi điểm là 599$, nhưng rất có thể, đây là cái giá "đề nghị" của NVIDIA dành cho các đối tác của mình. Với phiên bản custom, các nhà sản xuất có thể vô tư tùy biến mọi thứ trên mẫu card GTX 1080 từ tản nhiệt, bộ phận cấp nguồn VRM và có thể đẩy giá sản phẩm lên cao hơn mức sàn 599$ và thậm chí còn có thể chạm mức giá 699$ của phiên bản Founders Edition.

    [​IMG]

    Card đồ họa GeForce GTX 1080 dựa trên nền tảng kiến trúc đồ họa Pascal của NVIDIA. Kiến trúc này có số lượng streaming multiprocessors (SM) - thành phần không thể thiếu của GPU - dần trở thành linh kiện độc lập cho phép tăng cường hiệu năng của chúng. NVIDIA cho biết họ đã thiết kế kiến trúc GPU rất tỉ mỉ để có thể tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt giúp hiện thực hóa tiến trình sản xuất 16nm FinFet cho nhân GPU Pascal tại nhà máy TSMC.

    GTX 1080 có nhiều nhân CUDA hơn so với người tiền nhiệm của nó là GTX 980 - 2560 với 2048. Nó cũng sở hữu nhiều TMU (Texture mapping unit) hơn (160 vs 128) và bộ nhớ VRAM 8GB, cao hơn gấp đôi GTX 980. Nói đến bộ nhớ VRAM của GTX 1080, NVIDIA đã trang bị cho nó công nghệ bộ nhớ mới là GDDR5X với xung nhịp bộ nhớ có thể đạt mức hiệu dụng 10GHz, băng thông bộ nhớ 320GB/s trên băng tần bộ nhớ 256 bit. Trong khi với công nghệ cũ GDDR5, băng thông bộ nhớ này chỉ có thể có trên các băng tần bộ nhớ 384 bit hay 512 bit. Bộ nhớ HBM thế hệ đầu bị giới hạn dung lượng bộ nhớ 4GB và công nghệ bộ nhớ HBM này có giá thành sản xuất rất cao do đó NVIDIA chuyển sang sử dụng GDDR5X cho chiếc card đầu bảng của mình.

    [​IMG]

    Trong bài đánh giá này, Amtech sẽ tiến hành thử nghiệm mẫu card GTX 1080 G1 Gaming 8GB do Gigabyte sản xuất có giá bán trên thị trường khoảng 18 triệu đồng.

    specs_quick.png

    Trên đây chỉ là phần thông tin đặc tả sơ bộ của chiếc card đồ họa Gigabyte GTX 1080 G1 Gaming khi so sánh với các card đồ họa khác. Còn thông tin đầy đủ, bạn đọc có thể tìm xem tại đây.​

    I - Kiến trúc đồ họa Pascal

    Có lẽ trước khi đi vào trọng tâm của bài viết này, chúng ta hãy cùng điểm sơ qua một chút về kiến trúc độ họa Pascal. Như chúng ta đều biết, card đồ họa GTX 1080 sử dụng GPU GP104, phiên bản dân dụng dựa trên kiến trúc Pascal trong khi phiên bản GPU đỉnh cao nhất của họ Pascal là GP100 nằm trong card đồ họa máy trạm Tesla P100 HPC. GP104 kế thừa GM204 (GTX 980, GTX 970) và dù diện tích die nhỏ hơn với 314 mm² so với 398 mm² của GM204, nó lại có số lượng transistor cao hơn với 7.2 tỷ so với 5.2 tỷ của GM204. Để được như vậy, NVIDIA phải sản xuất nhân GPU mới của mình dưới tiến trình xử lý 16nm FinFET.

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Với mọi kiến trúc nhân đồ họa kể từ sự xuất hiện của "Fermi", NVIDIA luôn tìm cách làm dồi dào lượng SM bằng cách thêm nhiều nguồn tài nguyên độc lập và giảm lượng tài nguyên chia sẻ với dãy xử lý đồ họa (Graphics processing cluster - GPC) qua đó hiệu năng được tăng cường rất đáng kể. Với Pascal cũng thế, như họ GM204 trước đây, nhân GP104 có đến 4 GPC chia sẻ băng thông PCIe 3.0 x16 của card cũng như băng tần bộ nhớ GDDR5X 256 bit thông qua 8 chip điều khiển. Các chip này hỗ trợ cả hai chuẩn bộ nhớ GDDR5 và GDDR5X và card đồ họa thấp cấp hơn GTX 1080 là GTX 1070 có bộ nhớ GDDR5 băng thông 7Gbps thay vì 10Gbps như GDDR5X của GTX 1080.

    Số lượng tác vụ xử lý trên 4 GPC được chia sẻ bởi bộ engine GigaThread có 2MB bộ nhớ đệm. Mỗi GPC có 5 SM, đây là điểm cải tiến so với 4 SM trên một GPC xuất hiện trên chip GM204. GPC chia sẻ một raster engine (tạm dịch là engine mành) giữa 5 SM. SM trên nền tảng Pascal sở hữu bộ engine hoạt động PolyMorph thế hệ thứ tư, đây là thành phần quan trọng trong các tác vụ xử lý dựng hình. Với nền tảng này, engine PolyMorph có kèm thêm linh kiện đặc biệt được thiết kế riêng cho tính năng Simultaneous MultiProjection (SMP) được phát triển hướng đến trải nghiệm chơi game 4K và thực tế ảo VR. Mỗi SM có một block chứa 8 TMU.

    Mỗi SM chứa tiếp 128 nhân CUDA bên trong. Nhân GP104 có tổng cộng 2560 nhân CUDA. Một số thông tin đặc tả cấu hình quan trọng khác của nhân đồ họa này bao gồm 160 TMU và 64 ROP (raster operation pipeline). NVIDIA cho biết họ đã thiết kế lại đường mạch bên trong nhân GPU cho phép nó có mức xung nhịp cao hơn hẳn so với thế hệ GM204 trước đây. GTX 1080 sẽ có xung nhịp gốc 1607MHz và tăng tốc chạm ngưỡng 1733MHz. Vào sự kiện ra mắt chiếc card này, NVIDIA đã trình diễn ép xung nhân GPU GP104 trên GTX 1080 chạm mức xung 2.1GHz chỉ với tản nhiệt gốc.

    [​IMG]

    GeForce GTX 1080 là card đồ họa đầu tiên trên thế giới sử dụng chuẩn bộ nhớ GDDR5X mới nhất. Bộ nhớ này sẽ có tốc độ dữ liệu hiệu dụng lên đến 14GHz và dù nó có nhiều điểm tương đồng với GDDR5 nhưng nó số đầu pin cao hơn người tiền nhiệm. Vì thế chuyện GDDR5X có tốc độ dữ liệu cao hơn là chuyện hết sức bình thường. Xung nhịp hiệu dụng của bộ nhớ này là 10GHz, băng tần bộ nhớ 256 bit, điều đó sẽ giúp băng thông bộ nhớ đạt được mức 320GB/s. NVIDIA cũng tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn đối với công nghệ Delta Color Compression thế hệ thứ tư. Công nghệ này có thể sử dụng hiệu quả băng thông bộ nhớ lên đến 20% với 384GB/s.

    [​IMG]

    Kiến trúc Pascal cũng hỗ trợ khả năng tính toán bất không đồng thời (Asynchronous Compute) được chuẩn hóa bởi Microsoft. Kiến trúc này cũng thêm thắt tính năng gần tương tự dưới tên gọi là "Dynamic Load Balancing".

    [​IMG]
    [​IMG]

    Với việc thư viện đồ họa DirectX 12 của Microsoft hỗ trợ khả năng đa card đồ họa khác nhân GPU nếu chúng cùng hỗ trợ thư viện này khi chạy ứng dụng, cuộc chơi đa card đồ họa đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Nhưng thay vì dựa vào đó mà định hướng phát triển sản phẩm trong tương lai, NVIDIA tiếp tục hoàn thiện công nghệ đa card SLI của mình. Với độ phân giải chơi game ngày càng lớn cũng như tần số làm tươi màn hình đã vắt cạn kiệt băng thông của các cổng xuất hình và nhân đồ họa trong chế độ đa card, NVIDIA quyết định công nghệ SLI của hãng cần thêm băng thông phụ trợ. Để làm được điều này, họ cần phải sử dụng cầu SLI 2 điểm tiếp xúc (gọi ngắn là cầu SLI 2 điểm) khi sử dụng hệ thống hai card. Cầu SLI này được NVIDIA gọi là SLI HB (High-bandwidth) và việc sử dụng cầu SLI này trên hai card đồ họa Pascal sẽ có độ tin cậy cao hơn khi dự hình ở độ phân giải 4K tần số 60Hz, 120Hz hay 5K hoặc độ phân giải HDR. Hệ thống đa card SLI vẫn sử dụng tốt với cầu SLI truyền thống (cầu SLI 1 điểm) ở bất kỳ độ phân giải nào, nhưng hiệu năng sẽ bị ảnh hưởng lớn và không tốt bằng so với cầu SLI HB hay cầu SLI 2 điểm. Đó gần như là lý do vì sao NVIDIA đã không còn hỗ trợ SLI 3-way (3 card đồ họa) hoặc 4-way (4 card đồ họa) nữa.

    [​IMG]
    [​IMG]

    GTX 1080 vẫn hỗ trợ SLI 3-way và 4-way khi sử dụng cầu SLI truyền thống đi kèm với các bo mạch chủ trung cấp đến cao cấp, như bạn sẽ phải sử dụng khóa phần mềm đặc biệt từ NVIDIA và gần như phải hy vọng vào các nhà phát triển game hay ứng dụng benchmark tối ưu phần mềm của họ cho các hệ thống SLI này. Những lần cập nhật driver gần đây của NVIDIA hầu như chỉ tối ưu hiệu năng cho hệ thống SLI 2-way. Người dùng chuyên sâu muốn sử dụng tốt hệ thống SLI 3-way hay 4-way cần phải tải về khóa phần mềm đặc biệt từ các website công nghệ lớn (NVIDIA không cho người dùng tải), chạy nó và ứng dụng này sẽ tự động sinh ra chuỗi khóa để mở tính năng SLI 3-way và 4-way trên phần mềm điều khiển NVIDIA Control Panel. Nhân đồ họa Pascal hỗ trợ công nghệ đa card khác nhân của Microsoft nhưng chắc chắn NVIDIA sẽ không cung cấp bất kỳ sự tối ưu hóa nào dành cho game thông qua việc cập nhật driver khi sử dụng công nghệ này của Microsoft.

    Cùng với việc GPU Pascal ra đời, NVIDIA cũng chính thức hỗ trợ cổng xuất hình Display Port 1.4 cho những card đồ họa Pascal dù cho cổng Display Port trên card chỉ được chứng nhận Display Port 1.2. Bạn có thể tận hưởng tất cả các tính năng của Display Port 1.3 và 1.4 như truyền tải siêu dữ liệu HDR. Nhân GPU này cũng hỗ trợ chuẩn xuất hình HDMI 2.0b, đây là chuẩn HDMI mới nhất hỗ trợ trình chiếu phim HDR. Trong toàn bộ sự kiện ra mắt GTX 1080, NVIDIA không đả động gì về việc nhân GPU Pascal có hỗ trợ tính năng đồng bộ hình ảnh AdaptiveSync của VESA hay thường được biết đến là FreeSync theo tên gọi của đối thủ AMD. Card đồ họa GTX 1080 hỗ trợ 3 cổng kết nối Display Port 1.4, 1 cổng HDMI 2.0b và 1 cổng DVI-D.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Với từng kiến trúc đồ họa mới theo từng năm, NVIDIA luôn có tích hợp vào chúng tính năng đồng bộ hình ảnh (Sync). Với Kepler, NVIDIA có Adaptive V-Sync, tiếp đến là Maxwell với G-Sync, còn bây giờ là Pascal với Fast Sync. Theo NVIDIA, Fast Sync sẽ có độ trễ thấp hơn V-Sync để loại trừ hiện tượng xé hình (tearing) thường xảy ra khi số khung hình nhân GPU xuất ra cao hơn tần số làm tươi màn hình, trong khi GPU vẫn dựng hình mà không bị V-Sync kiềm hãm khung hình, qua đó đồng thời cũng giảm bớt tình trạng độ trễ khi nhập liệu từ thiết bị ngoại vi như bàn phím và chuột (Input latency). Bạn có thể nghe trực tiếp giải thích rất trực quan đến từ Tom Petersen - chuyên viên kỹ thuật cấp cao của NVIDIA về Fast Sync dưới đây:



    Hiện tại với bản driver mới nhất là 368.69, bạn đọc đã có thể trải nghiệm công nghệ Fast Sync thông qua một số điều chỉnh trong NVIDIA Control Panel. Tôi sẽ có bài hướng dẫn cách thiết lập Fast Sync dành cho các bạn, và lưu ý rằng công nghệ này không chỉ hỗ trợ các sản phẩm nền tảng Pascal mà còn ở thế hệ trước đó là Maxwell và Kepler. Do đó, bạn đọc nào đang sở hữu card đồ họa thuộc 2 nền tảng Maxwell và Kepler không lo về việc bị NVIDIA bỏ rơi nhé!

    [​IMG]

    Với Pascal, NVIDIA đã giới thiệu tính năng mới hướng đến thực tế ảo 3D là SMP cho phép người dùng có thể trải nghiệm hình ảnh 3D chính xác hơn ở mọi góc nhìn, giảm thiểu tình trạng méo hình hay xảy ra ở các hệ thống đa màn hình, mà cụ thể là hai góc nhìn trái và phải trong hệ thống 3 màn hình khá phổ biến. Tuy nhiên, thay vì sẽ hao tổn rất nhiều tài nguyên card để thực hiện việc này thì SMP chỉ chiếm rất ít và gần như không đáng kể. Bạn đọc nào đang sở hữu hệ thống 3 màn hình khi chơi game sẽ rất thích điều này.

    [​IMG]

    Tiếp tục là một công nghệ nữa hướng đến game thủ hay nói chính xác hơn là nhiếp ảnh gia đội lốt game thủ. Đó là Ansel, công nghệ cho phép chúng ta có thể chụp ảnh ingame với rất nhiều tùy chọn về mặt góc độ, bố cục, chi tiết ảnh, v.v... như thể chúng ta đang cầm một chiếc camera DSLR và có mặt trong game để chụp ảnh vậy. Hiện tại, chỉ có hai game là Mirror's Edge Catalyst và The Witcher 3 là hỗ trợ công nghệ Ansel sớm nhất. Theo đó, Mirror's Edge Catalyst sẽ tích hợp Ansel khi phát hành trong khi The Witcher 3 chỉ hỗ trợ công nghệ này thông qua bản cập nhật game lớn sắp được tung ra vào cuối tháng này.

    [​IMG]

    HDR (hay High Dynamic Range tạm dịch là dải tương phản động mở rộng) có lẽ là một khái niệm quá phổ biến trong nhiếp ảnh thời nay. Nó cũng không hẳn là mới trong ngành công nghiệp game máy tính, nên nhớ rằng một số game siêu cổ xưa sử dụng Engine đồ họa Source của Valve ra mắt trong những năm đầu 2000 cũng đã hỗ trợ HDR thông qua hiệu ứng Bloom đơn giản. Những game đó chỉ sử dụng được bảng mày 24 bit rất hạn chế (mỗi màu có 8-bit với tất cả 16.7 triệu màu) để giả lập ảnh HDR. Với những card đồ họa có băng thông lớn chẳng hạn như GTX 1080 đều hỗ trợ sẵn những bảng màu lớn như 10-bit (1.07 tỉ màu) và 12-bit (68.7 tỉ màu) để thể hiện nội dung HDR tốt hơn mà không cần thiết phải giả lập bằng phần mềm. GTX 1080 cũng hỗ trợ giải mã phim HVEC 10-bit và 12-bit với độ phân giải lên đến 4K tần số 60Hz và phim 10-bit cùng độ phân giải.​

    II - Unbox

    IMG_4256.jpg
    IMG_4259.jpg
    IMG_4326.jpg

    Trong phiên bản sample mà Gigabyte đã gửi đến Amtech thì phần phụ kiện của GTX 1080 Gaming G1 chỉ có sách hướng dẫn và dĩa driver. Tôi chưa rõ là phiên bản thương mại sẽ ra sao nhưng như vầy là hơi ít so với tầm vóc của một chiếc card GTX 1080.

    IMG_4267.jpg
    IMG_4282.jpg
    Mặt trước card chúng ta sẽ có bộ giáp tản nhiệt Windforce 3X 3 quạt 8cm đặc trưng của Gigabyte với một số họa tiết màu đỏ khá nổi bật trên nền đen chủ đạo, tạo nên chất game thủ rất tinh tế và ngầu cho card. Cá nhân tôi rất thích thiết kế này vì sự đơn giản của nó, không cần phải quá cầu kỳ phức tạp nhưng vẫn hướng được đến đối tượng game thủ thông qua những chi tiết nói trên. Mặt sau card, Gigabyte đã trang bị bộ backplate chống cong gãy theo thời gian cũng như góp phần tăng cường khả năng tản nhiệt cho card.

    IMG_4276.jpg
    IMG_4289.jpg
    IMG_4290.jpg

    Về độ dày, GTX 1080 G1 Gaming của Gigabyte chỉ dày 4.1cm qua đó nó chỉ chiếm mất 2 slot PCI trên bo mạch chủ của bạn khi lắp vào.

    IMG_4328.jpg
    IMG_4361.jpg
    IMG_4362.jpg
    IMG_4364.jpg

    Điểm đặc biệt ở chiếc card này là khả năng thay đổi màu đèn LED cho phù hợp với nhu cầu của người dùng. Với tôi đây là một tính năng có lẽ là hơi thừa thãi, nhất là với người đánh giá như tôi thì hiệu năng chính là thứ quan trọng nhất ở một chiếc card đồ họa. Tuy nhiên, tính năng này sẽ rất phù hợp nếu như bạn đang sở hữu cho mình một hệ thống mà bo mạch chủ lẫn RAM hay tản nhiệt vi xử lý đều có dàn đèn LED trang trí. Chúng ta có thể tùy chỉnh màu sắc đèn LED cho hợp với tông màu LED hệ thống của bạn bằng cách điều chỉnh chúng trong phần mềm điều khiển của GTX 1080 Gaming G1.

    IMG_4279.jpg

    Rất hay cho Gigabyte khi phiên bản GTX 1080 G1 Gaming dù là mẫu card ép xung nhưng họ chỉ trang bị cho nó một đầu cấp nguồn 8 pin mà thôi. Do đó, tôi có thể đoán chắc mức điện tiêu thụ của card cao nhất sẽ là 225W. Tuy nhiên, với nền tảng Pascal nói chung cũng như chip đồ họa GP104 nói riêng, con số 225W sẽ ít khi nào mà card đồ họa sẽ đạt tới được nếu sử dụng bình thường. Trừ khi bạn đọc có ý định ép xung khủng cho nó bằng cách dùng LN2.

    IMG_4292.jpg

    GTX 1080 G1 Gaming hỗ trợ 2 đầu kết nối SLI cho phép bạn đọc có thể setup hệ thống SLI lên đến 4 card. Tuy nhiên, như tôi đã có nhắc đến trong phần đầu của bài viết thì NVIDIA không khuyến khích chúng ta SLI đến 4 card mà tối ưu hiệu năng nhất sẽ là 2 card, nhưng với cầu SLI 2 điểm tiếp xúc. Nếu bạn đọc chưa rõ cầu SLI này ra sao thì rất đơn giản, chúng ta sẽ dùng đến 2 cầu SLI 2-way để gắn thay vì 1 cầu SLI như truyền thống.

    IMG_4314.jpg

    Cần lưu ý là Gigabyte có trang bị công nghệ Fan Stop cho 3 quạt làm mát trên card đồ họa GTX 1080 G1 Gaming của mình. Đây là công nghệ cho phép quạt dừng lại khi nhiệt độ chip đồ họa GP104 bên trong card không nóng quá 68*C, và chỉ khi quay khi nhiệt độ vượt mức này. Thực ra, các nhà sản xuất card đồ họa khác không chỉ riêng gì Gigabyte cũng đã tích hợp công nghệ này trên sản phẩm trung cấp đến đầu bảng của mình nhưng với tên gọi khác nhau để dễ phân biệt, như ASUS với 0dB, Zotac với FREEZE...

    IMG_4268.jpg

    Các cổng xuất hình của GTX 1080 G1 Gaming bao gồm 3 cổng Display Port 1.4, 1 cổng HDMI 2.0b và 1 cổng DVI-D tương tự như bản tham khảo của NVIDIA. Với số cổng kết nối này, bạn có thể trải nghiệm công nghệ SMP 3 màn hình khi chơi game trên 1 card đồ họa.​

    III - Hệ thống thử nghiệm

    • Cấu hình giản lược

    specs_df.png

    • Cấu hình chi tiết

    specs_detail.png
    Chân thành cám ơn các đối tác Intel, Gigabyte, Kingston, SanDisk và Cooler Master đã hỗ trợ thiết bị để chúng tôi hoàn thành bài viết này.

    Các bài benchmark đều được tôi thực hiện ở độ phân giải tối đa của màn hình ASUS PB279Q là 4K/UHD 3840x2160.​

    IV - Kết quả benchmark

    Trước khi vào phần này, tôi sẽ thống kê một số trình benchmark cũng như game mà tôi sẽ sử dụng để thử nghiệm card đồ họa Gigabyte GTX 1080 G1 Gaming. Một số game có phần thiết lập cấu hình đặc biệt khó mô tả bằng lời thì tôi sẽ chụp ảnh đưa lên đây để các bạn có thể tham khảo.
    • Trình benchmark:
      • 3DMark 2013 FireStrike/FireStrike Extreme/FireStrike Ultra
      • Unigine Valley Extreme HD 2160p
    • Game:
      • Batman Arkham Knight
      • Crysis 3
      • Dirt Rally 2015
      • Grand Theft Auto V
      • Just Cause 3
      • Metro Last Light
      • Rise of Tomb Raider
      • The Witcher 3

    Sau đây sẽ là một số thiết lập đặc biệt trên vài game mà tôi không thể diễn đạt bằng lời:
    • Batman Arkham Knight


    • Crysis 3


    • Dirt Rally 2015


    • Grand Theft Auto V


    • Just Cause 3


    • Metro Last Light


    • Rise of Tomb Raider


    • The Witcher 3



    Trong các game trên, tôi chủ động tắt đi các công nghệ độc quyền của game như "GameWorks" và "PureHair" của hai game lần lượt là Batman Arkham Knight và Rise of Tomb Raider để có thể biết được chính xác hiệu năng thực sự của card. Ngoài ra, riêng với Rise of Tomb Raider (ROTR), tôi sẽ test đến hai preset cấu hình High và Very High. Còn Grand Theft Auto V, tool benchmark tích hợp bên trong của game cho đến 4 kết quả cho 4 cảnh test. Tôi chỉ lấy kết quả của cảnh test cuối cùng.

    Tiếp theo sẽ là phần kết quả benchmark tất cả các trình benchmark và game trên GTX 1080 G1 Gaming của Gigabyte với xung nhịp nhân/bộ nhớ mặc định:

    bench_df.png
    avg_df.png

    Như bạn đọc đã thấy, các kết quả thực nghiệm bằng game của GTX 1080 G1 Gaming đều vượt qua cột mốc 30 FPS (mức FPS được xem là tối thiểu cần đạt để có trải nghiệm chơi game khá tốt) ở độ phân giải 4K/UHD. Tôi thực sự rất ấn tượng với hiệu năng mà card đồ họa GTX 1080 nói chung cũng như GTX 1080 G1 Gaming của Gigabyte nói riêng khi thử nghiệm game ở độ phân giải khủng này.

    Thực sự mà nói, với hiệu năng khủng khiếp như thế, việc ép xung thêm nữa cho GTX 1080 G1 Gaming được xem là việc làm thừa thãi. Tuy nhiên, trong bài đánh giá card đồ họa không thể không có phần này nên tôi sẽ thử xem, liệu GTX 1080 G1 Gaming có thể ép xung được lên bao nhiêu?

    Sau khoảng 1h nghiên cứu và thực nghiệm, tôi đã tìm ra được mức xung ép ổn định cho chiếc card này như sau:

    specs_oc.png
    Xung nhịp hiển thị trên GPU-Z.

    specs_oc_1.png
    Xung nhịp thực tế khi chơi game (Batman Arkham Knight).


    Xung nhịp nhân/bộ nhớ sau khi ép xung cao hơn xung gốc lần lượt là 8% và 12%. Nếu theo cách nhìn nhận của một người đánh giá có kinh nghiệm như tôi thì đây là những con số đó chưa hẳn là cao. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận xét trên nền tảng cũ trước đó là Kepler và Maxwell mà thôi. Còn với nền tảng Pascal mới, có thể hiệu năng sẽ tăng đột biến với độ chênh lệch xung nhịp sau khi ép thì sao? Tôi và bạn đọc sẽ được chứng kiến điều đó trong biểu đồ hiệu năng dưới đây.

    bench_oc.png
    avg_oc.png

    Với những tựa game nặng đô như The Witcher 3, Rise of Tomb Raider, Batman Arkham Knight hay Metro Last Light, việc ép xung GTX 1080 G1 Gaming tỏ ra chưa hiệu quả lắm khi xung chênh lệch chỉ vào khoảng 3 khung hình đổ lại, trong khi đó, tựa game tưởng chừng phải nằm cùng mâm với những tựa game trên như Crysis 3 lại có số khung hình trung bình sau khi ép xung tăng đột biến lên đến 7 khung. Ngoài ra, Grand Theft Auto V, tựa game nhận được không ít bản vá tối ưu hiệu năng từ nhà sản xuất R* chỉ được tăng thêm 4 khung hình. Cuối cùng, game nhẹ cân nhất là Dirt Rally 2015 cho số khung hình trung bình cao nhất với 98 khung hình, nhưng trước khi ép xung, game này cũng được GTX 1080 G1 Gaming thể hiện rất tốt rồi.

    Dù sao đi nữa, hiệu năng sau khi ép xung của GTX 1080 G1 Gaming chưa thực sự ấn tượng lắm và có lẽ % chênh lệch thấp khi đặt xung nhịp mặc định và ép xung lên bàn cân là nguyên nhân dẫn đến kết quả này. Tuy vậy, đây chỉ là bản mẫu mà Gigabyte gửi đến bộ phận truyền thông báo chí, chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhất của họ nên kết luận của tôi về khả năng ép xung của chiếc card này chỉ dừng lại ở mức tham khảo.​

    V - Nhiệt độ hoạt động

    Điều kiện test​


    Do forum không cho post quá nhiều ký tự nên nội dung file log nhiệt độ được tôi upload lên MediaFire, các bạn có thể down về tham khảo và đối chiếu.

    • Mặc định
    Mã:
    http://www.mediafire.com/download/ub6belp1khyih6q/df%2825%29.txt
    Min: 45*C, Max: 72*C

    • Ép xung
    Mã:
    http://www.mediafire.com/download/g41ihbpnmd1416d/oc%2825%29.txt
    Min: 45*C, Max: 63*C

    Theo kinh nghiệm của tôi thì nhiệt độ lý tưởng khi full load là < 79*C ở phòng bình thường và <75*C ở phòng máy lạnh. Do được hưởng cơ chế quạt Fan Stop rất thông minh từ Gigabyte, GTX 1080 G1 Gaming có nhiệt độ rất ổn khi chơi game ở xung nhịp mặc định. Còn khi ép xung, tôi phải kéo tốc độ quạt 100% để đảm bảo tính ổn định nên không có gì lạ khi nhiệt độ cao nhất thấp hơn hăn lúc chưa ép xung.​

    VI - Độ ồn

    Điều kiện test​


    Lưu ý
    1.JPG

    Theo bảng dải độ ồn dưới đây, độ ồn tối đa mà GTX 1080 Gaming G1 sản sinh ra nằm ở mức chấp nhận được, không quá ồn cũng như quá êm ái nhưng cũng không gây khó chịu quá nhiều cho tôi. Nên nhớ tôi đang dùng benchtable và không dùng thùng máy để thử nghiệm chiếc card này.


    VII - Công suất tiêu thụ

    Điều kiện test​


    Mặc định



    Ép xung




    GTX 1080 Gaming G1 về lý thuyết sẽ hoạt động an toàn khi được lắp cùng bộ nguồn có công suất thực tầm 500W-600W. Nhưng với công suất đo được tối đa trong trường hợp ép xung vẫn chưa vượt qua mức 400W thì bạn vẫn có thể sử dụng bộ nguồn 450W công suất thực là đủ dùng với chiếc card này. Tuy nhiên, bạn cần phải tính tới cả những thành phần khác nữa chứ không riêng gì card đồ họa như vi xử lý, bộ nhớ RAM rồi số lượng ổ cứng, SSD nếu bạn có nhiều. Vì thế, bộ nguồn tầm 600W sẽ là phương án tối ưu nhất cho những chiếc card GTX 1080 nói chung và Gigabyte GTX 1080 G1 Gaming.​

    VIII - Lời kết

    [​IMG]
    • Gigabyte GTX 1080 G1 Gaming đã được bán ra với giá khoảng 18 triệu đồng.
    [​IMG]
    • Thiết kế đơn giản tinh tế nhưng vẫn đủ chất game thủ.
    • Xung nhân được ép xung sẵn.
    • Hiệu năng mặc định quá tốt ở độ phân giải 4K.
    • Nhiệt độ hoạt động rất tốt và yên lặng nhờ cơ chế quạt làm mát Fan Stop cùng thiết kế tản nhiệt rất hiệu quả của Gigabyte.
    • Trang bị backplate bảo vệ mặt sau card.
    • Hỗ trợ những công nghệ phục vụ cho nhu cầu thực tế ảo và trải nghiệm game như SMP, Ansel, Fast Sync.
    • Tùy chỉnh được màu đèn LED.
    • Hoạt động không quá ồn kể cả khi kéo quạt 100%.
    [​IMG]
    • Xung bộ nhớ không được ép xung sẵn.
    • Phụ kiện ít.
    • Khả năng ép xung không cao dẫn đến hiệu năng sau khi ép xung chưa ấn tượng.
     

    Các file đính kèm:

    • IMG_4297.jpg
      IMG_4297.jpg
      Kích thước:
      224.1 KB
      Đọc:
      177
    • IMG_4300.jpg
      IMG_4300.jpg
      Kích thước:
      183.1 KB
      Đọc:
      183
    • IMG_4315.jpg
      IMG_4315.jpg
      Kích thước:
      203.5 KB
      Đọc:
      193
    • IMG_4321.jpg
      IMG_4321.jpg
      Kích thước:
      196.3 KB
      Đọc:
      161
    • 1.JPG
      1.JPG
      Kích thước:
      407.4 KB
      Đọc:
      361
    • 2.JPG
      2.JPG
      Kích thước:
      388.6 KB
      Đọc:
      340
    • 3.JPG
      3.JPG
      Kích thước:
      389.9 KB
      Đọc:
      316
    • 4.JPG
      4.JPG
      Kích thước:
      2.2 MB
      Đọc:
      354
    :
    Chỉnh sửa cuối: 19/7/16
    andong9x thích bài này.
  2. dzinhdzuan

    dzinhdzuan Member

    Bài viết:
    330
    WOW quá chất, e nghĩ phụ kiện ít do hàng sample quá, GIGABYTE thường phụ kiện nhiều lắm!
     
  3. andong9x

    andong9x New Member

    Bài viết:
    3
    Quá chất. Con này dường như không có đối thủ. Mọi người vào xem thì like cho chủ topic cái ạ.
     

Chia sẻ trang này