HOT [Review] Đánh giá chi tiết Zotac GTX 1050 Ti Mini 4GB - Vua không nguồn phụ mới đã xuất hiện!

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 2/11/16.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Phân khúc card đồ họa dưới 200 USD từ lâu luôn là chiến trường mà NVIDIA chưa thể thắng AMD nếu xét đến tỷ lệ hiệu năng trên giá thành (Price/Performance - P.P) dù số lượng card đồ họa của NVIDIA xuất hiện trong phân khúc này rất nhiều. Kiến trúc đồ họa mới đây của AMD đang tập trung chủ yếu vào các phân khúc 250 USD, 210 USD, 180 USD và 110 USD. Ở phân khúc cao cấp, AMD vẫn chưa thể so bì được với NVIDIA, do đó việc họ chuyển hướng vào thị trường tiềm năng nhất - card đồ họa phục vụ các tựa game e-Sports - là điều dễ hiểu. Hầu hết các game thi đấu e-Sports đều có thể chạy tốt với những card đồ họa thuộc phân khúc dưới 300 USD, và chỉ có những tựa game bom tấn (AAA) với sự hỗ trợ từ những công nghệ đồ họa tân tiến mới kích thích người dùng bỏ tiền đầu tư các giải pháp card đồ họa cao cấp hơn, và tất nhiên như đã nói, AMD hoàn toàn chưa phải là đối thủ của NVIDIA ở phân khúc này.

    Dù dẫn trước đối thủ AMD ở phân khúc cao cấp nhưng ở phân khúc thị trường card đồ họa dưới 200 USD thì NVIDIA vẫn chưa thể so với hội Đỏ được. Tất nhiên, người khổng lồ xanh xứ Đài không chấp nhận thực tế này và họ đã tung ra hai mẫu card đồ họa mới sử dụng nền tảng đồ họa Pascal là GTX 1050 Ti và GTX 1050 với giá thành lần lượt là 140 USD và 110 USD để cạnh tranh cùng AMD với bộ đôi RX 460 và RX 470 trong phân khúc dưới 200 USD. Cả hai mẫu card này sử dụng kiến trúc đồ họa Pascal được tinh giảm lại kha khá với tên mã là GP107. Chip GPU này có tổng cộng 768 nhân CUDA, 48 TMU, 32 ROP và bộ nhớ GDDR5 băng tần 128-bit có dung lượng 4GB đối với mẫu GTX 1050 Ti.

    Dù đã bị cắt giảm từ nền tảng Pascal gốc nhưng chip GP107 trên mẫu GTX 1050 Ti cũng đảm bảo mức xung nhịp nhân cao 1350MHz - 1450MHz không thua gì người đàn anh mới ra mắt không lâu trong họ 10-series là GTX 1060 3GB (1506MHz). Quyết định sử dụng băng tần bộ nhớ 128-bit của NVIDIA cho thấy mẫu card GTX 1050 Ti của họ có chi phí sản xuất khá hạn chế (Số lượng chip nhớ xuất hiện trên bo mạch không quá 4 con), nghĩa là người khổng lồ xanh đã chuẩn bị cuộc chiến về giá trong phân khúc dưới 200 USD với AMD mà theo đó, NVIDIA đang là người nắm lợi thế về giá. Với GTX 1050 Ti, NVIDIA đã kéo độ tiêu thụ năng lượng của chiếc card này xuống dưới mốc 75W, giúp mẫu card này không cần nguồn phụ vẫn có thể chạy được với nguồn cấp từ khe PCIe 3.0 trên bo mạch chủ. Trong khi đó, đối thủ gần nhất của GTX 1050 Ti bên phía AMD là RX 470 4GB vẫn phải dùng thêm nguồn phụ 6 pin với mức tiêu thụ năng lượng gần gấp đôi chiếc card của NVIDIA với 120W.

    zt-p10510a-10l_image1.jpg
    Thực ra tôi đã có trên tay và test nhanh hiệu năng của chiếc card GTX 1050 Ti Mini của Zotac ở bài viết trước. Tuy nhiên, tôi sẽ có bài đánh giá chi tiết mẫu card của Zotac để bạn đọc biết được tiềm năng của chiếc card này tới đâu và tại sao nó lại xứng đáng trở thành ông vua không nguồn phụ mới?

    Dưới đây là bảng so sánh cấu hình giữa mẫu GTX 1050 Ti Mini của Zotac cùng những chiếc card đồ họa khác nằm trong phân khúc giá dưới 200 USD:

    specs_tech.jpg

    I - Kiến trúc đồ họa

    GeForce GTX 1050 Ti cũng như người anh em của nó, GTX 1050, đều được trang bị chip xử lý nhỏ nhất trong họ Pascal, GP107. Chỉ với diện tích 132 mm² và số lượng transistor khoảng 3.3 tỷ, con chip này thực sự rất nhỏ và rõ ràng NVIDIA đã hướng tới việc hạ giá thành phẩm khi có ý định sản xuất GP107.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    NVIDIA luôn đảm bảo rằng nếu thiết kế chip của họ không đi chệch khỏi mục đích xây dựng ban đầu là dựa trên giá thành, họ sẽ tiến hành sản xuất chip luôn. Một ví dụ điển hình cho điều này chính là sự ra đời của chip GP107, dù nó chỉ có số nhân CUDA thấp là 768 san sẻ đều trên 6 streaming multiprocessors (SMs), và được chia thành 2 dãy xử lý đồ họa (Graphics processing clusters - GPC) của 3 SMs trên tổng số 6 SMs.

    Quyết định đặt 6 SMs trên 2 GPC của NVIDIA có nghĩa là 3 SMs sẽ có 1 Raster Engine, đây là đơn vị xử lý đặc biệt thiên về hình học dạng lưới đa giác (geometry/tessellation units). Còn SM, đơn vị xử lý phụ không thể phân tách của GPU, thì có điểm tương đồng về thiết kế với đơn vị tương đương trên chiếc card đồ họa mạnh nhất họ Pascal của NVIDIA là Titan X. Mỗi SM sẽ chứa 128 nhân CUDA, 1 PolyMorph Engine và các thành phần xử lý hình học độc lập. Hai GPC sẽ được hỗ trợ bởi bộ nhớ đệm L2 dung lượng 1MB kết nối đến bộ GigaThread Engine thế hệ mới - vai trò của bộ Engine này tương tự như cảnh sát giao thông phân luồng dữ liệu của GPU vậy - và băng tần bộ nhớ GDDR5 128-bit.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Ở mức xung nhịp gốc, nhân GPU sẽ có băng thông nhớ tổng cộng 112GB/s để sử dụng nhờ vào công nghệ nén bộ nhớ ít mất dữ liệu (Lossless memory compression tech) của NVIDIA, qua đó tăng cường băng thông hiệu dụng của GPU theo cách đơn giản và hiệu quả nhất có thể. Trên chiếc card đầu bảng GTX 1080, NVIDIA cho biết kỹ thuật này sẽ tăng cường hiệu năng ít nhất là 20% trong điều kiện lý tưởng. Và rất mừng là mẫu GTX 1050 Ti mới nhất của gã khổng lồ xanh xứ Đài vẫn được tích hợp công nghệ này.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Kiến trúc đồ họa Pascal trên GTX 1050 Ti hỗ trợ công nghệ tính toán không đồng bộ (Asynchronous Compute) theo chuẩn của Microsoft. Ngoài ra, NVIDIA còn tích hợp thêm cả công nghệ tương tự do hãng tự phát triển là Dynamic Load Balancing.

    II - Unbox và thiết kế

    Phần này tôi đã có nói qua trong bài viết trước, nếu bạn chưa đọc thì tôi đã để lại bài quote ở dưới:


    III - Hệ thống thử nghiệm

    Cấu hình giản lược

    Cấu hình chi tiết


    specs_detail.png
    Chân thành cám ơn các đối tác Intel, Zotac, NVIDIA, ASUS, Kingston, SanDisk và AcBel đã hỗ trợ thiết bị để chúng tôi hoàn thành bài viết này.

    IV - Kết quả benchmark

    Các phép thử benchmark trong bài viết này cũng tương tự như bài trên tay chiếc card GTX 1050 Ti Mini của Zotac trước đó. Bạn có thể xem toàn bộ các phép thử kèm theo thiết lập của chúng và kết quả hiệu năng ở dưới đây. Lưu ý rằng tôi có thêm vào hai card tiền nhiệm GTX 750 Ti và 950 của NVIDIA để làm đối tượng so sánh với chiếc card GTX 1050 Ti Mini của Zotac.

    Benchmarks

    Games

    Sau đây là kết quả test của 3 card GTX 1050 Ti của Zotac, GTX 950 và GTX 750 Ti của NVIDIA:


    [​IMG]
    [​IMG]
    Như tôi đã nói ở bài trên tay nhanh GTX 1050 Ti của Zotac trước đó, chiếc card này rõ ràng có sức mạnh vượt trội so với hai người đàn anh GTX 750 Ti và GTX 950 (mạnh hơn lần lượt gấp đôi và 30% hiệu năng) do được thừa hưởng nền tảng kiến trúc đồ họa mới Pascal kèm theo khá nhiều công nghệ nâng cao hiệu năng game nữa. Tuy nhiên ở những game thuần DX12 như Gears of War 4 hay nửa nạc nửa mỡ (vừa hỗ trợ DX12 lẫn 11) như Rise of Tomb Raider ở độ phân giải chuẩn Full HD 1080p thì GTX 1050 Ti vẫn chưa thể đạt con số FPS trung bình vượt mốc 60, do đó, nếu bạn ưu tiên trải nghiệm mượt mà thì bạn buộc phải hạ cấu hình game xuống hoặc nâng cấp card đồ họa lên GTX 1060 3GB hoặc 6GB. GTX 1050 Ti là card đồ họa sẽ phát huy thế mạnh của mình ở những game online có nền tảng đồ họa tốt như Overwatch, CS: GO, Dota 2, League of Legends... Còn với game offline thì để trải nghiệm tốt nhất các tựa game AAA như Gears of War 4, Rise of Tomb Raider, v.v... bạn có thể dùng phần mềm GeForce Experience 3.0 tích hợp trong bộ driver cài đặt card đồ họa để nó tự động thiết lập các tùy chọn đồ họa của game cho phù hợp hơn với khả năng của GTX 1050 Ti. Qua đó, bạn sẽ có trải nghiệm chơi game tốt hơn rất nhiều dù phải hy sinh một số thiết lập của game.

    Tiếp theo tôi sẽ thử ép xung chiếc card GTX 1050 Ti Mini của Zotac xem thử hiệu năng sẽ cải thiện như thế nào so với trước khi ép xung? Mức xung sau khi ép ổn định (không tính xung tăng tốc) là 1504MHz (xung nhịp nhân) và 2002MHz (xung nhịp bộ nhớ), cao hơn lần lượt 15% và 14% so với xung mặc định của card.

    specs_oc.png
    Chúng ta sẽ cùng xem thử hiệu năng của GTX 1050 Ti Mini sau khi được ép xung lên khá cao như thế này:

    benchscore_oc.png
    avg_oc.png
    Sau khi ép xung, GTX 1050 Ti Mini sẽ có độ chênh lệch về số FPS trung bình so với mức mặc định cao nhất là 6 FPS và thấp nhất là 3 FPS. Đây có thể xem là mức chênh lệch khá tốt rất đáng để chúng ta ép xung, tuy nhiên bạn cũng cần phải quan tâm đến vấn đề tản nhiệt vì GTX 1050 Ti Mini không được Zotac thiết kế để chạy mức xung này. Do đó, tôi khuyên bạn nếu cần thiết phải ép xung chiếc card này lên thì bạn cần phải tăng tốc độ quạt lên để giảm nhiệt độ hoạt động của card khi chơi game xuống bằng với mức xung mặc định là đẹp. Thông thường tôi sẽ set cứng tốc độ quạt tầm 40-50% và đóng thùng máy lại nếu sử dụng thùng máy hoặc 30-40% khi dùng benchtable. Như vậy tôi sẽ đảm bảo card không quá ồn cũng như nhiệt độ hoạt động cũng ở mức độ chấp nhận được so với trước khi ép xung.

    V - Nhiệt độ hoạt động


    Điều kiện test

    Do forum không cho post quá nhiều ký tự nên nội dung file log nhiệt độ được tôi upload lên MediaFire, các bạn có thể down về tham khảo và đối chiếu.

    Mặc định

    Mã:
    http://www.mediafire.com/file/n1hb1km4v0m97nx/df%2828%29.txt
    Min: 32*C, Max: 54*C
    
    Ép xung

    Mã:
    http://www.mediafire.com/file/2hb0l98ibelr2rn/oc%2828%29.txt
    Min: 34*C, Max: 51*C
    
    Theo kinh nghiệm của tôi thì nhiệt độ lý tưởng khi full load là < 79*C ở phòng bình thường và <75*C ở phòng máy lạnh. Nhìn vào nhiệt độ cao nhất của cả hai trường hợp, có lẽ tôi không cần phải nói gì nhiều về độ hiệu quả của bộ tản nhiệt 1 quạt mà Zotac đã thiết kế dành cho chiếc card GTX 1050 Ti Mini của mình. Qua đây, chúng ta có thể nhận thấy chip xử lý GP107 trên card GTX 1050 Ti Mini của Zotac nói riêng cũng như nhiều card GTX 1050 Ti của các hãng khác nói chung,nhiệt độ khi hoạt động là không cao, do đó GTX 1050 Ti rất thích hợp khi chúng ta sử dụng trong môi trường phòng game với thùng máy cùng không gian lắp đặt hạn hẹp. Đây cũng là một trong những mục tiêu chính trong sự hình thành bộ đôi GTX 1050/GTX 1050 Ti của NVIDIA.

    VI - Độ ồn

    Điều kiện test


    Theo bảng dải độ ồn dưới đây, độ ồn tối đa mà GTX 1050 Ti Mini trong cả hai trường hợp đo được nằm ở mức "Trò chuyện bình thường". Mức này được xem là độ ồn khá lý tưởng cho phép bạn có thể trải nghiệm chơi game mà không bị ảnh hưởng quá nhiều.

    [​IMG]

    VII - Công suất tiêu thụ

    Điều kiện test

    Mặc định


    Ép xung


    Từ thời kiến trúc Maxwell trước đây cho đến Pascal bây giờ, NVIDIA luôn gìn giữ và phát huy khả năng tiết kiệm điện siêu hạng của mình trên các sản phẩm card đồ họa của mình. Do đó, với nền tảng Pascal, GTX 1050 Ti Mini của Zotac hao tổn điện năng không quá 200W ngay cả khi tôi ép xung chiếc card này lên. Và lưu ý rằng, nếu biết rằng qua cách đo điện tổng như thế này, cũng như các thành phần khác của hệ thống như CPU và RAM cũng đều được tôi ép xung lên, thì khả năng tiết kiệm điện của card đồ họa GTX 1050 Ti Mini của Zotac lại càng khủng khiếp đến mức nào. Vì thế, chỉ cần bộ nguồn máy tính công suất thực 300W thôi cũng đủ để nuôi sống chiếc card đồ họa này cũng như các thành phần khác trong hệ thống của tôi rồi.

    VIII - Lời kết

    [​IMG]
    • Zotac GTX 1050 Ti Mini 4GB sẽ được Zotac bán ra với giá khởi điểm 140 USD.

    [​IMG]
    • Thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp môi trường phòng game.
    • Không cần nguồn phụ.
    • Mạnh gấp đôi GTX 750 Ti, hơn 30% so với GTX 950.
    • Hiệu năng khá tốt ở độ phân giải Full HD 1080p.
    • Khả năng ép xung cao.
    • Quạt quay khá êm khi hoạt động bình thường lẫn kéo tốc quạt tối đa.
    • Trang bị 4GB bộ nhớ VRAM.
    • Hiệu năng sau khi ép xung tốt.
    • Độ tiêu thụ điện cực thấp.
    • Nhiệt độ trong hai trường hợp quá ổn.
    • Giá rẻ.

    [​IMG]
    • Hiệu năng một số game DirectX 12 chưa ngon lắm.
    • Bracket low-profile cần sự cẩn thận khi lắp đặt vào hệ thống.

    [​IMG]
     

    Các file đính kèm:

    • 1.JPG
      1.JPG
      Kích thước:
      539 KB
      Đọc:
      887
    • 2.JPG
      2.JPG
      Kích thước:
      536.4 KB
      Đọc:
      869
    • 1.JPG
      1.JPG
      Kích thước:
      426.3 KB
      Đọc:
      886
    • 2.JPG
      2.JPG
      Kích thước:
      428.7 KB
      Đọc:
      858
    • 3.JPG
      3.JPG
      Kích thước:
      416.3 KB
      Đọc:
      897
    • 4.JPG
      4.JPG
      Kích thước:
      425.8 KB
      Đọc:
      890
    :
    Chỉnh sửa cuối: 7/11/16

Chia sẻ trang này