HOT [Review] GPU Tweak 2.0 vs 1.0 - Cải tiến rất nhiều nhưng cũng không ít hạt sạn

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 18/7/15.

By umbrella_corp on 18/7/15 lúc 21:13
  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Nói đến GPU Tweak, chắc chắn không chỉ riêng fan cuồng ASUS mà những người sử dụng card đồ họa rời ASUS đều có ít nhất một lần nghe qua chương trình này. GPU Tweak là chương trình cho phép người dùng có thể điều chỉnh và ép xung nhịp GPU và bộ nhớ card, tốc độ quạt, Power Limit (tương đương với LLC bên bo mạch chủ), Temperature Target (nhiệt độ tới hạn giảm xung, thường tỷ lệ thuận với Power Limit), Framerate Target (điều chỉnh cứng số khung hình trên giây cho game) và Display Target (điều chỉnh tần số quét của màn hình). Lưu ý hai thông số Power Limit và Temperature Target không xuất hiện trên card AMD.

    [​IMG]
    GPU Tweak 1.0.

    GPU Tweak lần đầu ra mắt ở thời điểm series card GTX 500 và HD 4000 của NVIDIA và AMD bắt đầu xuất hiện. Ở thời điểm đó, cùng với MSI Afterburner, GPU Tweak trở thành công cụ đắc lực dành cho dân vọc vạch ép xung card đồ họa. Trải qua tới tận 4 đời card từ GTX 500 đến 900 và 7 đời từ HD 4000 đến R7 R9 series, GPU Tweak đã được ASUS nghiên cứu, thử nghiệm và cuối cùng đã cho ra mắt phiên bản 2.0 mới để kết hợp cùng các card đồ họa mới xuất hiện gần đây như R9 300 series, R9 Fury series, GTX 980 Ti... Với giao diện được làm mới cùng các tính năng cũ được cải thiện và nâng cấp. GPU Tweak 2.0 đang dần được ASUS thay thế GPU Tweak 1.0 trên trang hỗ trợ tải về. Giờ đây bạn chỉ có thể tải bản 1.0 ở các trang hỗ trợ dòng card cũ của ASUS, còn những card mới ra mắt gần đây đã được thay thế bằng bản 2.0 hết.

    [​IMG]
    GPU Tweak 2.0.

    Một điều cần lưu ý là GPU Tweak bản 2.0 có khả năng tương thích với các card đồ họa thế hệ cũ, điều tương tự không xảy ra với GPU Tweak 1.0 khi nó không thể tương thích với các dòng card mới sau này. Nhưng liệu khi giờ đây bạn đang sử dụng card đồ họa cũ của ASUS thì bạn có nên chuyển lên dùng GPU Tweak 2.0 hay vẫn trung thành với GPU Tweak 1.0? Bài viết hôm nay của tôi sẽ cho bạn câu trả lời xác thực nhất cho việc này.
     
    :

Bình luận

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 18/7/15.

    1. umbrella_corp
      umbrella_corp
      I - GPU Tweak 1.0 - Giới thiệu, hướng dẫn và ưu khuyết điểm

      Vào thời điểm GPU Tweak 1.0 ra đời đang là giai đoạn phát triển cực thịnh của giao diện nổi 3D. Và đương nhiên, GPU Tweak 1.0 cũng không đứng ngoài xu hướng thiết kế như thế.

      1.jpg

      Các biểu tượng trên ứng dụng được thiết kế rất nổi bật giúp người dùng dễ dàng làm quen và thao tác. Ảnh trên là hình ảnh giao diện của GPU Tweak khi vừa mới được cài đặt và bật lên, vì thế nó thiếu đi rất nhiều thông số quan trọng liên quan đến ép xung như điện thế cấp, Power Limit, Temperature Target... Trong bài review này tôi dùng card đồ họa GTX 780 Ti DC2 OC để minh họa cho bài viết vì thế bắt buộc khi ép xung phải có 2 thông số Power Limit (hay còn gọi là Power Target theo định nghĩa của ASUS) và Temperature Target, còn card AMD thì không có 2 thông số này. Bên trái cửa số màn hình làm việc là bảng giám sát nhiệt độ, điện thế cũng như các thành phần liên quan đến card. Nếu không phải là tay ép xung chuyên nghiệp, chắc chắn ít khi nào bạn phải xem đến cửa số này mà thông thường bạn sẽ mở cửa số trình GPU-Z để xem thông tin nhiệt độ hơn.

      Trở lại với cửa số màn hình chỉnh, lúc này chúng ta chỉ có 3 thông số là:
      • GPU Boost Clock hay GPU Clock (bên AMD): đây là thông số điều chỉnh liên quan tới xung nhịp GPU của card. Đối với card AMD nó sẽ hiển thị GPU Clock, tức là bạn điều chỉnh xung nhịp như thế nào thì khi xem bằng trình GPU-Z thì nó sẽ hiện ra như thế. Còn bên card NVIDIA từ series GTX 600 trở lên nó sẽ hiển thị là GPU Boost Clock do cơ chế ép xung tự động mới của NVIDIA áp dụng cho các thế hệ card sau này của hãng được gọi là GPU Boost (đã tới bản 2.0). GPU Boost Clock này tạm dịch là xung tăng tốc, khi điều chỉnh thông số này thì lưu ý là chúng ta đang điều chỉnh xung tăng tốc chứ không phải là xung gốc (Base Clock). Ví dụ như card của bạn có xung gốc là 1190MHz và xung tăng tốc là 1200MHz chẳng hạn, thì khi chúng ta điều chỉnh GPU Boost Clock trên GPU Tweak thì xung nhịp thay đổi sẽ là xung tăng tốc. Ví dụ tôi tăng thêm 50MHz nữa cho xung tăng tốc là 1200MHz thì kết quả xung tăng tốc là 1250MHz qua đó xung gốc cũng thay đổi theo là 1240MHz, đại loại như vậy.
      • Memory Clock: thông số này ảnh hưởng tới xung nhịp bộ nhớ của card.
      • Fan Speed: thông số liên quan đến tốc độ quạt tính bằng %, lúc này chúng ta chỉ có 2 chế độ là tự động (Auto) và chỉnh tay (manual).
      2.jpg

      Live Update hay còn gọi là chế độ cập nhật tự động. Chức năng này trên GPU Tweak 1.0 thực sự không có một chút hiệu quả nào, Hầu như trong quá trình sử dụng khi card có BIOS tôi thường phải lên trang chủ tải về và tiến hành cập nhật bằng tay, ít khi nào dùng đến Live Update vì lúc này khi kiểm tra tình trạng cập nhật BIOS thì lúc nào cũng báo là đã cập nhật mới nhất, trong khi lên trang chủ BIOS mới nhất đang có sẵn trên đó. Đây là một điểm trừ khá nặng dành cho GPU Tweak 1.0.

      3.jpg

      Tới tab Settings, ở tab phụ Main, GPU Tweak sẽ cho chúng ta chỉnh cửa sổ chương trình được phép chạy khởi động cùng Windows hay không (tôi không khuyến khích các bạn để GPU Tweak luôn chạy khởi động cùng Windows), Skin Behavior cho phép chuyển về giao diện 2D của chương trình (tôi không khuyến khích bạn tắt tính năng này), Tool Tip sẽ giải thích cho chúng ta biết ý nghĩa của từng vị trí chức năng mà chúng ta rê chuột vào (nên để chức năng mở).

      4.jpg

      Qua tab Tune, ở đây là nơi chúng ta mở các thông số bị ẩn ở mục Tuning trước đó. Như bạn đã thấy, ở mục con Display Priority tôi chưa tick mở nhiều thông số trong phần Tuning, tuy nhiên lúc này chưa phải là lúc nên tick mở các thông số này, lý do tại sao thì hồi sau sẽ rõ.

      5.jpg

      Chuyển qua tab con Tune Setting, chúng ta chỉ cần quan tâm dòng tick "Giữ lại thông số card khi mở máy" mà thôi, phần còn lại không cần quan tâm. Dòng tick này tùy theo mỗi người muốn tíck hay không, riêng tôi thì tôi sẽ không tick dòng này.

      6.jpg

      Như tôi đã nói lúc nãy, chức năng Live Update của GPU Tweak là một trò đùa vì thế tab này chúng ta có thể bỏ qua.

      7.jpg

      Tab Hotkey dành cho những ai thích chuyển đổi nhanh các profile ép xung hay tùy chỉnh xung nhịp lên cao thấp ngay trong game. Tuy nhiên tôi không khuyến khích các bạn mở tính năng này, nhất là với những người hay chơi game chiến lược theo thời gian thực, vì thể loại game này thường phải setup combo nút nhiều khả năng sẽ đụng chạm đến các nút shortcut của phần Hotkey.

      8.jpg

      Ở tab cuối cùng là GPU Info thì khi nhấn vào, GPU Tweak sẽ mở thêm cửa số GPU-Z nữa để chúng ta có thể xem thông số card. Tuy nhiên tôi không thích cửa sổ này vì nó không có tính real-time. Ví dụ như tôi thay đổi thông số card như xung nhịp thì cửa số GPU-Z này không tự động thay đổi thông số theo, mà bắt buộc tôi phải tắt rồi mở lại cửa sổ này để cập nhật lại xung nhịp rất là bất tiện trong khi trình GPU-Z chính hiệu thì ngay lập tức thay đổi thông số card liền không cần phải tắt mở lại.

      9.jpg

      GPU Tweak không tích hợp sẵn chương trình hỗ trợ chia sẻ video trực tuyến theo dạng streaming, do đó buộc tôi phải cài thêm chương trình GPU Tweak Streaming nữa để sử dụng chức năg streaming màn hình. Một điểm khá bất tiện nữa là chương trình này không có mặt trên trang chủ ASUS vì thế để tải về ứng dụng này bạn cần phải vào trang forum ROG hoặc phải giữ dĩa cài driver của card thì mới có ứng dụng này.

      9_1.jpg
      9_2.jpg

      Ở dưới góc trái của cửa sổ làm việc chính là 3 nút chức năng lần lượt theo chiều từ trên xuống là Benchmark, Advanced Mode và Monitor. Chức năng Benchmark của GPU Tweak hoàn toàn không hoạt động được. Tôi không rõ vì sao ASUS vẫn chưa chịu fix lỗi này dù đây đã là phiên bản GPU Tweak 1.0 cuối cùng của họ.

      10.jpg
      11.jpg
      12.jpg
      Advanced Mode sẽ mở hết toàn bộ các thông số card bị ẩn đi giúp bạn sẳn sàng ép xung card. Các thông số được mở bao gồm:
      • Max GPU Voltage: điện thế tối đa cấp cho card.
      • Power Target và GPU Temp Target: có tác dụng lần lượt như LLC của bo mạch chủ và điều chỉnh nhiệt độ tới hạn phải hạ xung của card. Hai chức năng này thường tỷ lệ thuận với nhau, cùng lên và cùng xuống, và bạn cũng có thể tự chỉnh tay bằng cách click vào ổ khóa ngay giữa 2 thông số này.
      • Framerate Target: điều chỉnh mức khung hình trên giây cho phép bạn có thể trải nghiệm game tốt hơn ở mức FPS mà bạn thiết lập để không bị xé hình nếu số khung hình trong game không khóa V-Sync lên quá cao.
      • Display Refresh Rate: điều chỉnh tần số quét hình của màn hình. Mục tiêu của chức năng là giúp chúng ta overclock tần số màn hình. Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm thì chức năng này lại bị một cái rất dở là không cho phép chúng ta revert lại mỗi khi thiết lập tần số quét quá cao dẫn đến mất hình. Giả sử như màn hình của bạn đang chạy tần số quét 60Hz, bạn overclock thử lên 65Hz, bạn Apply và sau đó màn hình không hiện lên. Bản năng mách bảo bạn nhấn Esc để ứng dụng trả về thông số 60Hz để màn hình hiện lại. Nhưng không, chức năng này không hoạt động trên GPU Tweak, không còn cách nào khác, bạn phải dùng đến một chiếc card khác để vào Windows xóa sạch driver rồi sau đó dùng card cũ để cài lại driver. Cực kỳ bất tiện và ngu ngốc, Display Refresh Rate này không thể dùng để ép xung tần số màn hình được, và để làm điều này thì chúng ta nên dùng NVIDIA Control Panel. Tôi đã có bài hướng dẫn ở đây.

      13.jpg

      Với card GTX 780 Ti, chúng ta còn thêm một thông số nữa được ẩn là Min GPU Voltage hay tạm dịch là điện cấp GPU thấp nhất. Thông số này khi ép xung cũng không được chú ý nhiều do đa phần card phải chạy với điện thế cấp cao nhất.

      14.jpg

      Sau khi mở Advanced Mode, chúng ta có thêm tùy chọn mở rộng khả năng ép xung card. Tùy chọn này sẽ cho phép chúng ta điều chỉnh xung nhịp GPU Boost Clock lên cao hơn nữa. Tất nhiên khi ép xung chúng ta nên tíck chọn tùy chọn này.

      14_1.jpg
      14_2.jpg

      Đây là điểm khác biệt lúc chúng ta chưa tick và đã tick chọn tùy chọn trên. Hãy để ý phần xung GPU Boost Clock.

      15.jpg
      16.jpg
      Bên phần Profile ở dưới chúng ta sẽ có 2 profile xung nhịp được thiết lập sẵn là Silent và Gaming. Gaming có thông số xung nhịp cao hơn thường dùng để chơi game hay làm việc nặng, còn Silent dùng với thông số thấp hơn dùng để tiết kiệm điện. Bên cạnh đó là dàn profile trống từ 1-4 cho phép chúng ta tự lưu profile xung nhịp đã được điều chỉnh của mình. Cách lưu có thể xem ở dưới.

      19.jpg

      Giả dụ như tôi muốn lưu lại các thông số ép xung card như trên vào profile 1 thì tôi sẽ nhấn nút Save ở dưới.

      20.jpg

      Từ nút Save sẽ xổ ra 4 profile, tôi sẽ chọn profile 1.

      21.jpg

      Và như thế là profile 1 của tôi đã được lưu xong. Profile 1 này sẽ bị xóa nếu GPU Tweak bị xóa khỏi hệ thống, bạn nên lưu ý điều này.

      17.jpg
      18.jpg

      Còn phần nữa cũng rất đáng lưu tâm là phần chỉnh tay mức nhiệt độ và tốc độ quạt theo % tương ứng. Chức năng chỉ được mở khi chúng ta đã vào Advanced Mode.

      Ưu điểm
      • Giao diện nổi, đẹp khá trực quan.
      • Các chức năng hầu như hoạt động tốt.
      Khuyết điểm
      • Vài chức năng quan trọng không dùng được hoặc bị nhiều bất cập như Display Refresh Rate, Live Update, Benchmark.
      • GPU-Z tích hợp không thay đổi xung nhịp khi ép xung.
      • Không tương thích với các mẫu card mới.
      Chỉnh sửa cuối: 20/7/15
    2. umbrella_corp
      umbrella_corp
      II - GPU Tweak 2.0 - Giới thiệu, hướng dẫn và ưu khuyết điểm

      Nếu như giao diện nổi làm nền tảng cho GPU Tweak 1.0 thì lên 2.0, ASUS đã dùng giao diện phẳng cho phù hợp với thời đại hiện nay. Dùng giao diện phẳng và đồng thời ASUS họ cũng thiết kế lại các nút chức năng cũng như thêm thắt vài tính năng mới khá hữu ích.

      1.jpg

      Khi nhìn vào đây, điểm khác biệt đầu tiên giữa 2.0 và 1.0 là các profile xung nhịp không còn nằm ở dưới nữa mà được chuyển hẳn lên trên và được làm to lên để người dùng dễ nhìn. Bên cạnh các profile xung nhịp là biểu đồ cho thấy profile đó có tác động như thế nào đến 3 thông số hiệu năng (Performance), làm mát (Coolness) và êm lặng (Silence). Profile Gaming Mode bên GPU Tweak 1.0 đã được đổi thành OC Mode, profile mặc định được chuyển thành Gaming Mode, chỉ có profile Silent là giữ nguyên, My Profile chứa tất cả các profile xung nhịp do người dùng tự điều chỉnh và lưu lại, và lần này không còn giới hạn là 4 nữa mà là tùy thích. Ngoài ra ngay dưới các profile này là hình ảnh tượng trưng cho các thành phần như mức độ sử dụng tài nguyên VRM, xung nhịp GPU Speed cao hơn bản tham chiếu là bao nhiêu %, nhiệt độ GPU. Bên dưới là chức năng mới Gaming Booster và bên phải là Professional Mode cho phép người dùng thiết lập chi tiết các thông số liên quan đến card.

      2.jpg
      3.jpg
      4.jpg
      5.jpg

      Một chức năng mới cũng rất hay là Gaming Booster. Nếu đã từng dùng phần mềm iobit Game Booster thì bạn sẽ không lạ gì với chức năng này. Rất hay là ASUS đã tích hợp sẵn Gaming Booster lên GPU Tweak 2.0 giúp người dùng không phải phiền hà khi phải lên trang chủ iobit tải về trình Game Booster rồi cài đặt, rất mất thời gian. Chỉ cần bấm phím Start thì GPU Tweak sẽ tự động tắt các ứng dụng, dịch vụ không cần thiết khi chơi game và tự động chống phân mảnh bộ nhớ RAM. Sau đó chúng ta có thể chơi game với hiệu năng tốt nhất. Tuy nhiên chức năng này có một điểm trừ chết người là không có phím Restore để chúng ta có thể trả về tình trạng ban đầu trước khi dùng Gaming Booster như iobit. Muốn trả lại tình trạng như ban đầu, bạn phải reset máy. Đây là một điểm thiếu sót không đáng có chút nào. Lúc đầu tôi cũng thử nút Default bên cạnh phải của cửa sổ để trả về, tuy nhiên nút Default này chỉ là trả về những lựa chọn mặc định trên 3 phần Visual Effect, System Services và System Memory Defragment mà thôi.

      6.jpg
      7.jpg

      Sau khi thiết lập xong, Gaming Booster sẽ xuất hiện thông báo trên và hệ thống bạn đã sẵn sàng chiến game rồi.

      8.jpg
      9.jpg
      10.jpg
      11.jpg

      Đây là 3 profile xung nhịp có sẵn của GPU Tweak 2.0 là OC Mode, Gaming Mode và Silent Mode. Phần My Profile chứa profile xung nhịp do người dùng chỉnh tay.

      12.jpg

      Nếu như GPU-Z tích hợp trên GPU Tweak 1.0 mở ra cửa sổ mới thì GPU Tweak 2.0 cho GPU-Z hiển thị bên trong cửa số màn hình chính luôn. Đây có thể nói là cải tiến đáng kể của GPU Tweak 2.0. Còn nữa, GPU-Z tích hợp bên trong GPU Tweak 1.0 không thể hiển thị xung nhịp real time thì bản 2.0 có thể làm được điều đó. Tôi đã thử điều chỉnh xung nhịp thử trên GPU Tweak 2.0 sau đó chuyển qua tab Info thì xung nhịp đã được thay đổi theo đúng như tôi thiết lập.

      Hiện tại thì GTX 780 Ti của tôi đã được cập nhật BIOS mới nhất do đó chức năng Live Update tôi vẫn chưa thử nghiệm được.

      13.jpg
      14.jpg
      15.jpg
      16.jpg

      Lên đến GPU Tweak 2.0, ASUS không dùng đến GPU Tweak Streaming nữa mà tích hợp luôn trình streaming XSplit Gamecaster vào trong phần mềm của mình luôn. Nhưng để sử dụng được Gamecaster, bạn phải cài ứng dụng này một cách độc lập, rồi sau đó mới dùng được trong GPU Tweak 2.0.

      17.jpg
      18.jpg
      19.jpg

      Vào phần Settings thông qua nút bánh răng ở phía trên bên tay phải gần nút thoát thì trong đây là toàn bộ các tùy chọn đã có từ bên GPU Tweak 1.0 chuyển qua và được sắp xếp theo chiều dọc thay vì các tab ngang. Sắp xếp như vầy tôi thấy có vẻ thông minh hơn bản trước rồi đó.

      19_1.jpg
      20.jpg
      21.jpg

      Vào Professional Mode chúng ta sẽ thấy có khá nhiều thông số được trình ra thay vì ẩn đi như GPU Tweak 1.0 chưa mở Advanced Mode. Tuy nhiên thực tế vẫn có vài thông số ẩn đi, và chúng ta có thể mở hết bằng cách tích vào nút tròn màu trắng góc trên tay phải.

      22.jpg
      23.jpg

      Các thông số bị ẩn đi là Min GPU Voltage, Display Refresh Rate và Frame Rate Target, để mở chúng lên chúng ta chỉ cần click vào ô trống ở đâù mỗi thông số và Save lại là được. Cần phải nói thêm là tính năng Display Refresh Rate vẫn có lỗi y hệt như bản GPU Tweak 1.0, ASUS cần phải nghiêm túc xem lại vấn đề này.

      21_1.jpg

      Giao diện tùy chỉnh tốc quạt theo nhiệt độ vẫn như vậy, không có gì thay đổi so với bản cũ.

      24.jpg
      25.jpg
      26.jpg

      Tùy chọn mở rộng khả năng ép xung trên GPU Tweak 2.0 sẽ khiến màn hình bị chớp ít nhất 2 lần để có thể dùng được. Đây là điểm trừ nhẹ nhưng cũng không đáng có vì ở GPU Tweak 1.0 hoàn toàn không bị lỗi này. Sau khi tick chọn tính năng này, giờ thì xung GPU Boost Clock đã có thể kéo lên đến tận 2GHz.

      Tới phần lưu profile ép xung, có thể nói đây là phần gây cho tôi nhiều sự ức chế nhất. Vì sao ức chế thì bạn hãy xem series hình ở dưới đây:

      27.jpg
      28.jpg
      29.jpg
      30.jpg

      Đầu tiên tôi vào Professional Mode, chọn profile User1 Mode do GPU Tweak 2.0 thiết lập sẵn để người dùng lưu lại xung nhịp. Bạn vẫn có thể tạo profile mới cũng được nhưng ở đây tôi thử lưu vào profile User1 Mode xem sao. Khi chọn vào profile này, tất nhiên các thông số vẫn giữ nguyên mặc định, và tôi tiến hành điều chỉnh một số thông số ví dụ như GPU Boost Clock lên 1050MHz, Memory Clock lên 7100MHz, rồi Apply. Tất nhiên các thông số này cũng đã hoạt động bạn có thể nhìn sang cửa số GPU-Z mở sẵn bên tay trái để xem xung nhịp card đã thay đổi theo những gì tôi chỉnh bên GPU Tweak. Lúc này tôi đinh ninh là thông số xung nhịp đã được lưu thành công trên profile User1 Mode rồi, nhưng khi kiểm tra lại bằng cách click vào profile đó thì tự dưng xung nhịp đều bị trả về mặc định.

      Tôi nghĩ chắc là profile này đã hỏng, tôi xóa nó đi vào tạo profile mới đặt tên là AKG (hãng tai nghe âm thanh mà tôi rất cuồng).

      31.jpg
      32.jpg
      33.jpg
      34.jpg

      Nhưng kết quả vẫn vậy, thông số đều bị trả về mặc định. Đến lúc này, tôi nghĩ tại sao mình không chọn profile xung nhịp tự tạo ngay từ đầu, Apply trước, rồi sau đó mới chỉnh thông số rồi Apply lần nữa để lưu?

      35.jpg
      36.jpg
      37.jpg
      38.jpg

      Nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn là bao, có thể do bản GPU Tweak 2.0 này mới quá nên vẫn còn bug, khiến tôi không thể lưu profile được. Đây là lỗi cực kỳ nghiêm trọng mà ASUS cần phải sửa ngay trong những bản cập nhật phần mềm tiếp theo cho GPU Tweak 2.0.

      Ưu điểm
      • Giao diện phẳng, hiện đại dễ dùng.
      • Các chức năng như GPU-Z, Gamecaster tích hợp trong phần mềm.
      • Các profile xung nhịp có sẵn được trình bày ra giao diện chính ở phía trên chứ không nằm dưới như bản trước.
      • Tích hợp chức năng Game Booster.
      • Tương thích với dòng card mới và cũ của ASUS.
      Khuyết điểm
      • Không thể lưu profile ép xung được.
      • Bị vài lỗi vặt khi sử dụng như bị chớp hình, tính năng Display Refresh Rate vẫn bị lỗi...

      III - Lời kết

      Nếu bạn đang sở hữu một chiếc card đồ họa ASUS cũ thì GPU Tweak 1.0 sẽ là ứng dụng nên dùng vì độ ổn định các chức năng của nó rất cao so với GPU Tweak 2.0 bù lại giao diện sử dụng hơi lỗi thời và khó sử dụng với người mới. Tuy nhiên bạn đang dùng card mới thì không thể sử dụng GPU Tweak 1.0 được mà bắt buộc phải dùng GPU Tweak 2.0 dính lỗi không thể lưu profile được. Vì thế tôi cho rằng GPU Tweak 1.0 đã thắng trong trận chiến này, ít nhất xét về mặt lỗi vặt của ứng dụng dù cho GPU Tweak 2.0 có nhiều cải tiến về giao diện, thêm thắt chức năng mới v.v....
      Chỉnh sửa cuối: 20/7/15
    3. Chang_doncoi12
      Chang_doncoi12
      gpu-tweak-2-0 vẫn còn gặp một số lỗi trên mảng AMD ko quản lý đc fan auto or set nhiệt độ + tốc độ quay fan. nên vẫn chọn msi afterburner để sử dụng
    4. umbrella_corp
      umbrella_corp
      afterburner dùng trên card asus không bật được chỉnh voltage, chấp các thể loại unlock voltage option trong settings phần mềm luôn :v, còn vụ fan speed/temp set bình thường, chỉ có lưu profile là ko được thôi :v
    5. giaqua
      giaqua
      gpu-tweak-2-0 nó dựa theo thuộc tính đặc trưng của GPU để điều chỉnh nhiệt độ nên chạy nó ổn định lắm
    6. quiyeu
      quiyeu
      nó điều chỉnh được tốc độ quay của quạt nữa mà
    7. motngay
      motngay
      cái tính năng Gamecaster được tích hợp sẵn vào luôn à, quá là đỉnh luôn ta thích
    8. metmoi
      metmoi
      khởi đông lên mà màn hình bi chớp thì có sao đâu, ta thấy không có gì cản trở miển nó nhận diến tốt hơn bản 1.0 là ok rồi
    9. anhnoi
      anhnoi
      giao diện rõ ràng và khá là thân thiện đó

Chia sẻ trang này