HOT [Review] Đánh giá chi tiết ROG G752VT - Thiết kế sang, siêu mát mẻ, hiệu năng chơi game ấn tượng

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 23/3/16.

By umbrella_corp on 23/3/16 lúc 11:22
  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Năm 2016 được xem là một năm hứa hẹn sự bùng nổ nhu cầu mua sắm máy tính xách tay chơi game (gaming laptop) với rất nhiều mẫu mã cấu hình tốt cùng giá cả hợp lý dành cho người dùng. Với ASUS, năm trước họ đã rất thành công với nhiều sản phẩm gaming laptop thuộc series G5xx, G55x, GL5xx, G751x trải dài mọi phân khúc từ phổ thông cho đến cao cấp với thiết kế lấy cảm hứng từ máy bay chiến đấu F22 lừng danh của quân đội Mỹ.

    [​IMG]
    ASUS ROG G751JT - Đại diện tiêu biểu cho thế hệ gaming laptop G series của ASUS trong năm 2015.

    Đến năm 2016, ASUS quyết định làm mới dòng gaming laptop G series của mình bằng thế hệ G752x với ngôn ngữ thiết kế mới cũng như hệ thống tản nhiệt được nâng cấp mạnh mẽ so với thế hệ trước. Cụ thể G752VY, mẫu máy sẽ được bán tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới sẽ được trang bị hệ thống tản nhiệt buồng hơi (vapor chamber cooling) cao cấp cho hiệu năng tốt hơn so với tản nhiệt ống (heat pipe) truyền thống. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá chiếc gaming laptop thấp cấp hơn G752VY là G752VT. Cần lưu ý thêm cho bạn đọc là máy này sẽ không được ASUS trang bị hệ thống tản nhiệt buồng hơi vì đó là tính năng được hãng điện tử Đài Loan dành riêng cho các mẫu máy cao cấp.

    [​IMG]
    ASUS ROG G752VT.

    Đặc tả cấu hình của gaming laptop ROG G752VT đăng trên website của ASUS:

    [​IMG]

    Và mẫu G752VT sử dụng trong bài viết này là máy thử nghiệm (sample) được ASUS cho chúng tôi mượn để tiến hành đánh giá vì thế cấu hình sẽ không hoàn toàn giống với cấu hình trên. Chúng tôi sẽ chụp toàn bộ hình ảnh của hai phần mềm đọc thông số máy là CPU-Z và GPU-Z ở phần dưới của bài viết để bạn đọc nắm rõ hơn về mẫu máy mà chúng tôi sắp đánh giá.​

    I - Thiết kế

    [​IMG]
    [​IMG]

    Về thiết kế, nếu bạn đã từng sử dụng dòng G751x của ASUS thì khi chuyển sang G752VT chắc chắn bạn sẽ rất choáng ngợp khi ASUS đã thay mới gần như toàn bộ ngôn ngữ thiết kế so với thế hệ trước. Đầu tiên là về tông màu sử dụng, trước đây khi nhắc đến ROG người dùng thường liên tưởng đến những sản phẩm cao cấp với màu sắc truyền thống đỏ đen làm chủ đạo. Nhưng với G752VT nói riêng hay dòng G752x nói chung, ASUS đã chuyển sang tông đen platinum kết hợp với những họa tiết màu đồng. Sự thay đổi này làm tôi liên tưởng đến trường hợp chuyển tông của dòng bo mạch chủ Maximus VIII series bên mảng máy bàn của ASUS. Có lẽ trong năm nay, ASUS muốn đồng bộ hóa toàn bộ màu sắc của dòng sản phẩm ROG của mình, vì thế không lạ gì khi hãng điện tử Đài Loan quyết định đổi tông đỏ đen sang đen platinum đồng cho dòng gaming laptop mới của họ.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Điểm khác biệt thứ hai về ngoại hình dễ nhận thấy chắc chắn phải là hệ thống khe thoát nhiệt. Nếu như ở các máy G751 chúng ta sẽ có cặp khe thoát nhiệt rất to ở phía sau máy thì đến G752VT, hệ thống khe thoát nhiệt sẽ là một dải thống nhất giúp tăng cường khả năng tản nhiệt hơn trước. Tiếp theo chắc chắn phải là layout khu vực bàn phím của máy. G752VT có layout khu vực bàn phím được chia ra hai phần tách bạch nhau với dàn phím chính cùng bàn di chuột nằm trên layout bằng nhựa còn dàn nút Macro và nút nguồn sẽ được đặt trên layout kim loại. Với cách sắp đặt layout như thế này, ASUS sẽ loại trừ đi trường hợp khu vực bàn phím nóng lên trong lúc hoạt động lâu dài.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Điểm thứ tư chính dải đèn hai vạch cùng logo có đèn LED phát sáng ở mặt sau của màn hình. Điều này giúp G752VT tăng thêm chất game thủ hơn hẳn so với những người tiền nhiệm G751 khi chỉ được trang bị logo tĩnh nằm trên phiến kim loại màu bạc nhìn khá lệch tông với màu đen chủ đạo của chúng. Đó là bốn điểm mà tôi dễ dàng nhận ra khi lần đầu tiếp xúc với máy, nhưng liệu G752VT còn gì khác thú vị hơn không?

    [​IMG]

    Màn hình của máy có kích cỡ 17.3", độ phân giải Full HD 1080p, tấm nền IPS góc nhìn rộng kết hợp công nghệ chống chóa giúp trải nghiệm sử dụng máy ngoài trời tốt hơn. Tuy nhiên, viền màn hình quá dày làm cho màn hình hiển thị trở nên nhỏ bé sẽ gây cảm giác khó chịu cho nhiều người. Nếu ASUS cho dời logo của mình xuống dưới một chút và viền màn hình nhỏ lại thì sẽ hay hơn. Ngoài ra, độ phân giải Full HD cũng là một hạn chế khi đây là thời điểm mà độ phân giải 4K trên các gaming laptop dần được áp dụng. Bù lại, G752VT được ASUS trang bị công nghệ NVIDIA G-Sync cho phép game thủ trải nghiệm game mượt mà ở tần số quét cao, cụ thể ở mức mặc định là 75Hz nhưng bạn vẫn có thể kéo con số này cao hơn thông qua bài viết này.

    [​IMG]

    Phía trên là cụm webcam độ phân giải HD 720p, bên trái của nó là đèn báo hiệu tình trạng camera và hai lỗ còn lại Microphone và cảm biến tiệm cận.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Tôi sẽ chia mặt đế của G752VT thành hai phần trên và dưới. Theo đó, ở phần nửa dưới của máy, ASUS cho phép người dùng có thể thay thế hoặc nâng cấp phần cứng phục vụ cho nhu cầu sử dụng của họ. Bạn có thể xem bài hướng dẫn nâng cấp phần cứng cho G752VT tại đây. Ngoài ra cũng ở khu vực này ở góc phải, chúng ta sẽ thấy dải loa trầm Sonic Bass Woofer ở đây. Nhiệm vụ của loa này là tạo âm trầm kết hợp cùng dàn loa bổng tích hợp để tạo ra chất lượng âm thanh có chiều sâu và sức nặng hơn. Tất nhiên rất khó để có thể so sánh chất lượng âm thanh của máy với hệ thống máy tính sử dụng loa rời kèm card âm thanh tốt, nhưng ít nhất âm thanh phát của máy cũng thuộc dạng tốt trong số các laptop chơi game mà tôi từng dùng qua trước đây.

    Trở lại phía nửa trên của đế máy, chúng ta sẽ được ASUS show hàng dàn heatpipe tản nhiệt bên trong thông qua lớp nhựa trong như hình trên. Cũng phải nói thêm, đây là lần thứ hai ASUS áp dùng hệ thống tản nhiệt heatpipe hai module kèm hai module quạt lồng sóc tách biệt dành cho nhân đồ họa (GPU) và bộ vi xử lý (CPU) cho G752VT vốn đã xuất hiện trên G751x series. Phương pháp này theo ASUS quảng bá sẽ cho khả năng tản nhiệt tốt hơn rất nhiều so với kiểu một dàn heatpipe chạy dài từ GPU đến CPU kết hợp cùng một quạt lồng sóc như truyền thống. Lưu ý thêm là G752VT có pin được đóng chết và không thể tháo rời, do đó nếu muốn thay pin buộc bạn phải vào trung tâm bảo hành ASUS để thay chứ không thể tự mình thay thế như những chiếc laptop đời trước.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Cạnh phải của máy bao gồm các kết nối từ trái qua phải bao gồm jack tai nghe 3.5mm, jack microphone, jack Line-in, USB 3.1 Type-C Gen. 2 + Thunderbolt 3, 2 cổng USB 3.0, Mini Displayport, HDMI, cổng mạng RJ-45 Gigabit Ethernet. Cạnh trái của máy bao gồm khóa Kensington, 2 cổng USB 3.0, ổ đĩa quang Bluray, đầu đọc thẻ SD. Mặt dưới phía trước máy không có bất kỳ cổng kết nối nào. Lưu ý góc mở của nắp máy không được rộng lắm chỉ 120 độ, tôi lại cho đấy là góc mở hợp lý cho một chiếc gaming laptop vì rất ít khi nào người dùng khi chơi game sẽ cần góc mở màn hình hơn 120* để đảm bảo góc nhìn rõ vì đơn giản là tấm nền màn hình sử dụng cho G752VT là IPS cho góc nhìn rộng rất tốt.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Bàn phím của G752VT không có bất kỳ sự nâng cấp nào khi ASUS vẫn trang bị cho máy bàn phím chicklet có đèn LED như người tiền nhiệm thay vì bàn phím cơ như những đối thủ khác. Cá nhân tôi cho rằng đây là một điểm trừ mà cũng không hẳn là điểm trừ vì bàn phím này thực tế vẫn cho chất lượng gõ rất tốt. Cụ thể bàn phím của máy có thể gõ cùng lúc (rollover) đến 30 phím, độ phản hồi rất nhanh và gần như không phát ra âm thanh khi gõ, điều mà những bàn phím chicklet trước đây không có được. Điểm cải tiến ở bàn phím này so với thế hệ G751 trước đó là số lượng phím Macro (không tính phím tắt) đã được nâng lên thành 5 phím thay vì 3 phím, qua đó bạn có thêm nhiều tùy chọn về việc thiết lập nút khi chơi game hơn. Nút nguồn được vát góc cạnh nhìn hiện đại hơn nhiều so với nút nguồn cũ, chưa kể nếu quay lại dàn nút Macro, chúng ta sẽ thấy ASUS đã bỏ đi phím tắt mở ứng dụng Steam ở dòng G751x. Thực tế đây là quyết định đúng đắn của hãng điện tử Đài Loan khi phím này cực kỳ vô dụng khi chơi game ở dòng máy này, nếu chuyển hóa nó thành nút Macro sẽ hay hơn rất nhiều. Và ASUS đã làm điều đó trên G752VT, tôi rất hoan nghênh hành động này của hãng điện tử Đài Loan. Bạn có thắc mắc về nút có logo máy quay thì đó chính là nút bật webcam dùng để stream khi chơi game thường được các streamer game online như Liên minh huyền thoại hay DOTA 2 sử dụng.

    [​IMG]

    ASUS vẫn giữ lại nút tắt vào trình quản lý hệ thống Gaming Center nằm bên dải bàn phím số của G752VT có từ thế hệ G751x.

    [​IMG]

    Bàn di chuột (touchpad) của máy có diện tích tiếp xúc rất lớn cho phép người dùng có thể sử dụng thoải mái hơn. Hơn nữa nếu kết hợp cùng bộ cử chỉ ASUS Smart Gestures cài sẵn trên máy thì sẽ nâng tầm trải nghiệm của bạn lên rất nhiều. Hơn nữa, touchpad này có độ phản hồi lẫn độ mướt khi di chuyển của nó khá tốt giúp bạn có thể thao tác các tác vụ văn phòng dễ dàng nhưng khi chơi game thì không thể, vì lúc đó là chúng ta sẽ chuyển sang dùng chuột rời để chơi game tốt hơn.

    [​IMG]

    Với độ dày khi gấp nắp lại là 4.3cm và mở ra là 2.3cm, G752VT khá dày so với phần lớn những chiếc laptop chơi game cùng phân khúc. Đó là vì máy phải gánh hệ thống tản nhiệt phức tạp bên trong nên buộc ASUS phải làm vỏ dày hơn để đảm bảo hiệu suất tản nhiệt cao.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Do máy được ASUS gửi đến Amtech là mẫu sample nên phần phụ kiện của nó rất hạn chế, chỉ có nguồn, cáp và con chuột chơi game này. Tôi chưa rõ chuột này có tên model là gì cũng như trên thân chuột có mỗi chữ ROG nên tôi tạm gọi nó là ROG. ROG được thiết kế theo phom công thái học (ergonomic design) phù hợp cho người dùng cầm chuột theo kiểu palm grip (ôm lòng bàn tay) và fingertip (chỉ sử dụng cổ tay và hai ngón trỏ và giữa để cầm chuột). ROG được ASUS trang bị cảm biến laser để đem lại tính chính xác cao mỗi khi di chuột và độ phân giải (DPI) của nó hỗ trợ từ mức 1250 đến 5000, và được điều chỉnh bằng tay thông qua nút tắt nằm dưới con lăn. Bạn có thể xem các mức hiển thị DPI trên màn hình như hình dưới đây.

    [​IMG]

    Ngoài ra ở cạnh trái của chuột có thêm 2 nút Back và Forward dùng khi lướt web hoặc duyệt file trong My Computer. Bạn có thể tùy chỉnh công dụng của hai nút này thông qua trình quản lý ROG Gaming Mouse cài sẵn trên máy.​

    II - Những ứng dụng cài sẵn theo máy

    Khi nói đến những chiếc gaming laptop, ngoài ngoại hình và cấu hình ra, ắt hẳn người dùng sẽ quan tâm nhiều đến những phần mềm chính hãng phục vụ chơi game được cài sẵn trên máy. Với ASUS, họ đã trang bị cho chiếc G752VT của chúng ta những ứng dụng sau đây:
    • ASUS Gaming Center
    [​IMG]

    Đây có thể xem là ứng dụng điều khiển trung tâm của toàn bộ hệ thống của G752VT. Nó cho phép bạn xem tình trạng xung nhịp của CPU và GPU (phiên bản Gaming Center trên máy G752VY cao cấp hơn có thể cho phép bạn ép xung hai thành phần này), xem thông tin toàn bộ hệ thống, thiết lập profile hệ thống tùy theo nhu cầu người dùng, điều chỉnh đèn nền cũng như đèn LED logo... Chưa hết, ứng dụng này còn liên kết với các ứng dụng khác trên máy như ROG GameFirst III và ROG Macro Key cho phép bạn truy cập nhanh vào những ứng dụng này để tùy chỉnh cực kỳ tiện lợi.
    • ROG GameFirst III
    [​IMG]

    Bạn có thể truy cập vào ứng dụng này thông qua icon trên màn hình Desktop hoặc ứng dụng điều khiển Gaming Center. GameFirst III dành cho gaming laptop có tác dụng không khác gì so với phiên bản máy bàn có mặt trên các bo mạch chủ của ASUS. Nhiệm vụ của ứng dụng này là tối ưu hóa đường truyền Internet phục vụ cho những nhu cầu đặc thù của người dùng nhưng Game, lướt web, v.v... Tuy nhiên, vì khả năng tối ưu của phần mềm quá cao sẽ dẫn đến chiếc laptop chơi game của bạn sẽ thu hút hết băng thông Internet nếu đang kết nối trong hệ thống mạng nội bộ. Vì vậy, bạn cần cân nhắc sử dụng phần mềm cho hợp lý.
    • ROG MacroKey
    [​IMG]

    Cũng như GameFirst III, bạn có thể vào ứng dụng này thông qua Gaming Center. MacroKey cho phép bạn gán các tổ hợp phím vào một nút Macro trên dàn nút Macro 5 phím trên bàn phím. Chưa hết, bạn có thể gán nút Macro thành phím tắt để mở nhanh ứng dụng đặc thù, hoặc mở thẳng trang web cần truy cập bằng trình duyệt mặc định Edge (bạn có thể thay đổi trình duyệt mặc định trong Windows 10 thoải mái, tuy nhiên khi khởi động lại máy thì lựa chọn này sẽ bị trả về mặc định).
    • Gaming Mouse
    [​IMG]

    Không như hai ứng dụng trên, Gaming Mouse chỉ có thể vào bằng icon trên Desktop và công dụng nó cũng gần như tương tự như MacroKey, chỉ khác là được áp dụng trên chính chuột chơi game do ASUS trang bị sẵn khi bán ra cùng G752VT.
    • Sonic Studio II
    [​IMG]

    Cuối cùng là Sonic Studio II. Cũng như Gaming Mouse, bạn không thể vào ứng dụng này thông qua Gaming Center. Sonic Studio II cho phép bạn tùy chỉnh mọi thứ về chất lượng âm thanh của G752VT cho phù hợp với nhu cầu của mình. Không như những ứng dụng điều chỉnh về âm thanh khác, Sonic Studio II tối giản gần như hết mức những tùy chọn có thể điều chỉnh để mang lại trải nghiệm phần mềm thân thiện hơn cho đại đa số người dùng hiện nay. Vì thế, nếu bạn là người khắt khe về âm thanh, chắc chắn bạn không phải là đối tượng mà Sonic Studio II hướng đến rồi.​

    III - Màn hình

    G752VT được trang bị màn hình 17.3" độ phân giải Full HD 1080p, tấm nền IPS kết hợp công nghệ chống chóa tiên tiến hiện nay. Để thử nghiệm màn hình này, tôi sẽ để mặc định thông số màn hình và kéo sáng tối đa để đo đạc chất lượng thông qua phần mềm LaCie BlueEye Pro và mắt đo chuyên nghiệp Spyder3. Sau đây là kết quả lần đo đầu tiên với thiết lập trên:

    [​IMG]

    Như bạn đã thấy, màn hình của G752VT mặc định có xu hướng ngả sang màu đỏ với độ màu Kelvin ở mức 8441K, lệch rất nhiều so với mức độ Kelvin chuẩn của màn hình LCD là 6500K. Ngoài ra, độ sáng của màn hình cũng khá tốt khi đạt 289 nit gần mức chuẩn 300 nit thường thấy trên các màn hình sử dụng tấm nền IPS. Độ lệch màu Delta E tối đa đo được ở mức 8.5 cho thấy G752VT không thể hiện được chính xác màu sắc mà nó sẽ xuất ra nếu bạn dùng máy để in những bản in chất lượng. Theo kỹ thuật chung của ngành in, mức delta E tối ưu nhất dành cho in ấn nằm ở khoảng nhỏ hơn hoặc bằng 2. Do đó, nếu bạn muốn sử dụng G752VT như một cỗ máy phục vụ cho mục đích đồ họa thì buộc bạn phải sử dụng thiết bị cân màu chính xác cho máy.

    Với lần đo thứ hai này, tôi sẽ dùng bộ đôi Spyder3 và BlueEye Pro để cân chỉnh màu cũng như độ sáng phù hợp hơn cho màn hình G752VT. Lưu ý, do G752VT không có tùy chọn cho phép chỉnh độ tương phản cũng như các màu sắc RGB riêng biệt nên khi cân màn hình bằng Spyder3, tôi đã bỏ qua hai thông số này.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Phía trên kết quả đo màu cùng độ sáng thiết lập khi cân chỉnh màu sắc cho G752VT. Như bạn đã thấy, delta E tối đa được giảm xuống gần bằng mức chuẩn 2 dành cho các bản in chất lượng cao. Độ sáng màn hình cũng như độ màu Kelvin cũng đã được tùy chỉnh gần bằng mức chuẩn lần lượt 120 nit và 6500K. Lúc này, chiếc máy G752VT của bạn đã sẵn sàng dành cho nhu cầu đồ họa rồi đó.

    Cũng trong phạm vi bài test này, tôi sẽ thử nghiệm tiếp góc nhìn của màn hình G752VT có thực sự tốt dù theo cấu hình, máy được trang bị tấm nền IPS vốn cho góc nhìn rộng? Để thực hiện bài thử nghiệm này, tôi đặt G752VT trong một góc tối và thiết lập camera ở các góc 45 độ bao gồm góc chính diện, trên, dưới, trái và phải để xem thử màn hình hiển thị có bị mờ ở các góc không, và sau đây là kết quả:

    [​IMG]

    Như các bạn đã thấy ở hình trên, góc nhìn của G752VT là cực kỳ ấn tượng, gần như không có sự xuất hiện tình trạng mờ ở các góc nhìn. Rõ ràng, việc sử dụng tấm nền IPS đã giúp cho G752VT có được khả năng hiển thị tốt như vậy.​
     
    :
    Chỉnh sửa cuối: 4/4/16

Bình luận

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 23/3/16.

    1. umbrella_corp
      umbrella_corp
      IV - Hiệu năng

      Trước khi bàn tới hiệu năng, như đã nói ở phần đầu bài viết, G752VT của chúng tôi đang cầm trên tay là mẫu thử sample vì thế cấu hình sẽ khác chút so với cấu hình chuẩn trên website. Sau đây là ảnh chụp màn hình ứng dụng CPU-Z (xem thông số vi xử lý, bo mạch chủ và bộ nhớ RAM), GPU-Z (thông số card đồ họa) và AIDA64 (xem thông tin ổ cứng lưu trữ):

      [​IMG]
      [​IMG]

      Không tính đến những linh kiện cứng (tức là không thay đổi theo từng mẫu máy) như vi xử lý hay card đồ họa thì phiên bản G752VT của chúng tôi được ASUS trang bị cấu hình có tùy chọn về RAM và dung lượng lưu trữ cao nhất có thể. Cụ thể đầu tiên là RAM, G752VT phiên bản thử nghiệm có dung lượng RAM lên đến 64GB được cấu thành từ 4 thanh RAM 16GB chạy kênh đôi có xung nhịp mỗi cây là 2133MHz. Còn bộ nhớ lưu trữ cũng được hãng điện tử Đài Loan hào phóng trang bị SSD M.2 chuẩn giao tiếp NVMe của Samsung có tên model là SM951 MZVPV512 có dung lượng 512GB, và ổ cứng cơ tiếc thay là loại có số vòng quay chỉ là 5400rpm đến từ Seagate có dung lượng khủng là 2TB. Một lưu ý nhỏ cho bạn đọc là thông tin xung nhịp nhân GPU đọc trong GPU-Z là 540MHz, nhưng thực tế thì khi chúng ta chơi game hay làm việc nặng liên quan đến đồ họa thì xung nhịp này được nâng lên thành 1037MHz như hình dưới.

      [​IMG]

      Sở dĩ có việc này là vì card đồ họa GTX 970M của máy có cơ chế ép xung tự động GPU Boost 2.0 do NVIDIA tích hợp sẵn trong nhân. Vì thế, chỉ khi nào ứng dụng cần rất nhiều tài nguyên về card đồ họa thì cơ chế này sẽ đẩy mức xung nhịp nhân của card lên để đáp ứng. Qua đó, khi tôi chơi game thì xung nhịp nhân của GTX 970M được tự động đẩy lên 1037MHz để phát huy tối đa hiệu năng của card.

      Sau khi đã biết thông số cấu hình của mẫu G752VT, chúng ta sẽ đi qua một số bài thử nghiệm sức mạnh của máy như sau:
      • AIDA64 CPU Queen, Cache & Memory Benchmark
      • Cinebench R15 64bit
      • 3DSMax 2013 Vray
      • PCMark 8 (Creative, Applications, Storage)
      • Crystal Disk Mark 5.0.2 x64
      • 3DMark 2013 FireStrike, FireStrike Extreme và FireStrike Ultra
      • Unigine Valley Extreme HD
      • Battlefield 4
      • Crysis 3
      • GRID Autosport
      • Grand Theft Auto V
      • Rise of Tomb Raider
      Theo thứ tự danh sách trình test trên thì AIDA64 sẽ đối tượng đầu tiên được G752VT thử sức. Và trong bài test AIDA64 tôi chỉ chọn ra 3 phần test quan trọng là CPU Queen, Cache & Memory Benchmark và GPGPU Benchmark. CPU Queen sẽ giúp chúng ta nhận biết được hiệu năng của CPU i7-6700HQ ở đâu trong bảng xếp hạng CPU, Cache & Memory Benchmark đo tốc độ đọc/ghi/sao chép dữ liệu và độ trễ của bộ nhớ RAM.

      [​IMG]
      [​IMG]

      Tiếp đến sẽ là bài test Cinebench R15, mục đích cũng tương tự như AIDA64 CPU Queen, tức là so sánh khả năng của i7-6700HQ với những con chip khác thường là phiên bản máy bàn.

      [​IMG]

      Qua bài test 3DSMax 2013 Vray sau đây, người dùng sẽ biết được thời gian để CPU tính toán việc dựng hình hoàn chỉnh là bao lâu. Với con chip i7-6700HQ thì thật bất ngờ, nó đã hoàn thành việc dựng hình trong vòng chưa đến 14'. Kết quả này gần tương đương với thời gian dựng hình của CPU i5-6600K máy bàn được ép xung lên mức xung 4.6GHz mà tôi từng thử nghiệm trên bo mạch chủ Maximus VIII Gene trước đây. Lưu ý thông thường các CPU i5 máy bàn có sức mạnh cao hơn so với CPU i7 laptop cùng đời. Vì vậy, kết quả thực nghiệm này đã phần nào cho thấy tiềm năng CPU i7-6700HQ lớn đến chừng nào.

      [​IMG]

      Tiếp đến là bộ phần mềm benchmark hệ thống PCMark 8, trong đây có rất nhiều bài test tuy nhiên tôi chỉ chọn ra 3 bài test tiêu biểu là Creative, Applications và Storage. Creative mô phỏng môi trường vừa làm việc vừa chơi game do đó nó đòi hỏi năng lực xử lý của cả ba thành phần CPU, GPU và RAM rất nhiều vì vậy nó rất thích hợp để thử nghiệm G752VT. Trong khi đó, Applications bao gồm 2 mục là Microsoft Office và Adobe Creative Cloud. Applications sẽ thực nghiệm khả năng xử lý của máy trên ba ứng dụng Word, Excel, PowerPoint trong mục Microsoft Office và Photoshop, InDesign, Illustrator, After Effect trong mục Adobe Creative Cloud. Cuối cùng là Storage, trong phần test này tôi sẽ thử nghiệm cả hai ổ SSD NVMe Samsung MZVPV512 và Seagate 2TB 5400rpm xem tốc độ băng thông của chúng ra sao?
      • Creative
      [​IMG]

      • Applications
      [​IMG]

      Microsoft Office.

      [​IMG]
      Adobe Creative Cloud.
      • Storage
      [​IMG]
      SSD NVMe Samsung SM951.

      [​IMG]
      HDD Seagate 2TB 5400rpm.

      Chuyển qua một bài test nữa cũng liên quan đến thiết bị lưu trữ, và đối tượng được đem ra soi xét tiếp tục là bộ đôi SSD và HDD trên. Nếu như phần test Storage của PCMark 8 chưa thực sự trực quan dễ hiểu cho bạn thì khi sang Crystal Disk Mark 5.0.2 x64, bạn sẽ dễ dàng nắm được tốc độ đọc ghi tuần tự cũng như đọc ghi 4K của cả hai.

      [​IMG]
      SSD NVMe Samsung SM951.

      [​IMG]
      HDD Seagate 2TB 5400rpm.

      Tiếc là tôi không thể thử nghiệm hai ổ này khi trống dữ liệu được vì phải cài đặt rất nhiều phần mềm benchmark máy cũng như cài đặt Windows. Dù vậy, bạn đọc có thể thấy rằng tốc độ SSD NVMe Samsung SM951 cực kỳ tốt ở phần đọc ghi tuần tự cũng như đọc 4K. Tuy nhiên, tốc độ của HDD Seagate 2TB 5400rpm lại khá chậm chạp mà nguyên nhân đến từ số vòng quay hỗ trợ của nó. Nếu số vòng quay là 7200, chắc chắn kết quả thực nghiệm sẽ cao hơn nhiều.

      Và bây giờ chúng ta sẽ chuyển qua các bài test liên quan đến hiệu năng đồ họa của G752VT. Đầu tiên sẽ là phần mềm không thể thiếu trong các bài đánh giá phần cứng - 3DMark 2013. Với cấu hình của máy tương đối khủng, tôi sẽ chọn 3 bài test FireStrike, FireStrike ExtremeFireStrike. Theo đó, chương trình sẽ đo thử khả năng xử lý hình ảnh của G752VT ở các độ phân giải lần lượt là Full HD 1080p, Quad HD 1440pUltra HD 2160p như thế nào?

      [​IMG]

      Điểm số ở ba bài test trên cho thấy G752VT xử lý rất ổn ở độ phân giải gốc của nó là Full HD. Tuy nhiên, ở những độ phân giải cao hơn như 1440p hay 2160p thì kết quả chỉ ở mức tạm ổn vì dung lượng VRAM của GPU GTX 970M theo máy chỉ là 3GB, trong khi để chạy tốt ở độ phân giải cao, hệ thống máy thường phải đòi hỏi dung lượng VRAM lớn cỡ 4GB trở lên mới có thể xử lý tốt được.

      Để nối tiếp 3DMark 2013, lần này tôi sẽ thử khả năng của G752VT với phần mềm Unigine Valley được thiết lập ở chế độ Extreme HD (các thiết lập chi tiết để ở mức cao nhất và độ phân giải là 1080p).

      [​IMG]

      Ứng dụng này tỏ ra khá nhẹ nhàng với G752VT khi máy được chấm số điểm gần 1500, tương đương hoặc cao hơn hầu hết các cấu hình máy bàn chơi game tầm trung hiện nay. Nhưng liệu khi được thực chiến với những game AAA (game bom tấn) offline thì G752VT có giữ vững được phong độ? Chúng ta sẽ đi qua game đầu tiên là Battlefield 4, game AAA của năm 2013. Cấu hình thiết lập để test G752VT cũng như kết quả đo khung hình trung bình bằng Fraps sẽ được tôi đưa ra bên dưới.

      Để thưởng thức mọi thể loại game tốt, hệ thống máy thử nghiệm phải cho ra được khung hình trung bình tầm 30 fps trở lên và tối ưu nhất là tầm 60 fps. Với điều kiện này, rõ ràng G752VT đã hoàn thành rất tốt bài test Battlefield 4. Tuy nhiên, Battlefield 4 chưa hẳn là một game nặng về đồ họa, mà là một tựa game khác cũng được phát hành cùng năm với nó, Crysis 3, mới thực sự là một sát thủ đồ họa đúng nghĩa. Tựa game này dù đã trải qua 3 năm tuổi đời nhưng hiện vẫn được xem là một trong những bài test chuẩn mực nhất cần thiết để đánh giá sức mạnh của card đồ họa. Liệu đến bài test này, GTX 970M liệu có bộc lộ điểm yếu gì về hiệu năng hay không? Cũng như Battlefield 4, tôi cũng đính kèm hình ảnh thiết lập cấu hình trong game và kết quả đo khung hình trung bình bên dưới.

      Quả nhiên, với mức thiết lập cao nhất ở độ phân giải Full HD, Crysis 3 quả là một đối thủ cực kỳ khó nhằn cho G752VT. Số khung hình trung bình đã không thể nằm ở mức 60 fps tối ưu, tuy vậy, với khung hình trung bình trên 40 fps, dù sao G752VT cũng có thể mang đến trải nghiệm không tồi khi chơi game này. Ít nhất, tôi cũng có thể hoàn thành Crysis 3 bằng G752VT mà không cảm thấy quá khó chịu ở đôi mắt, một phần cũng nhờ khả năng hiển thị rất tốt của màn hình chiếc gaming laptop này.

      Hãy thay đổi không khí một chút với những tựa game tốc độ nhé! Game tiếp theo được tôi thử nghiệm trên G752VT sẽ là GRID Autosport, một tựa game đua xe mô phỏng có nền tảng đồ họa rất đẹp đến từ hãng Codemaster đã được 2 năm tuổi đời. Khác với 2 tựa game trên, GRID Autosport có công cụ benchmark tích hợp sẵn bên trong game, vì vậy tôi chỉ cần thiết lập cấu hình và nhấn nút benchmark mà thôi.

      Với tựa game GRID Autosport được thiết lập ở chế độ Ultra cùng độ phân giải Full HD và khử răng cưa MSAA 8x, G752VT đã hoàn thành bài test một cách vô cùng xuất sắc với số khung hình trung bình gần 80 fps, vượt chuẩn 60 fps tối ưu dành cho trải nghiệm chơi game tốt. Tiếp tục sẽ là một tựa game liên quan tới tốc độ mà cũng không hẳn là chỉ tốc độ không, đó là Grand Theft Auto V (GTA5), một trong những tựa game thể loại sandbox (thế giới mở) hay nhất năm 2015. Game này có rất nhiều tùy chọn về đồ họa và mỗi tùy chỉnh sẽ ảnh hưởng đến dung lượng VRAM sử dụng để dựng hình, vì vậy tôi đã thiết lập cấu hình cho game này sao cho nó sẽ tận dụng hết dung lượng VRAM 3GB của GTX 970M như sau:

      Tương tự như GRID Autosport, GTA5 cũng có công cụ benchmark tích hợp bên trong game nhưng thay vì đưa ra 1 kết quả như GRID thì GTA5 cho chúng ta đến 5 kết quả benchmark tương ứng với 5 cảnh test trong công cụ benchmark. Sau đây là kết quả benchmark của GTA5 trên G752VT:

      Ở bài test GTA5, hiệu năng G752VT nhìn chung cũng khá ổn với số khung hình trung bình cao nhất đạt gần 56 fps ở cảnh 4 (Pass 3) và thấp nhất ở cảnh 2 (Pass 1) với gần 40fps. Để đạt hiệu suất cao hơn, chúng ta nên hạ mức thiết lập xuống một chút và dung lượng VRAM chừng <= 2.6GB là vừa sức hơn với card đồ họa GTX 970M của máy. Tôi không cho rằng G752VT không đủ sức để chơi GTA5 nhưng chúng ta cũng nên chấp nhận một thực tế là GTX 970M dù gì cũng chỉ là một card đồ họa rời phiên bản laptop. Vì thế rất khó đòi hỏi nó phải đạt hiệu năng chơi game GTA5 ấn tượng như GTX 970 phiên bản máy bàn.

      Rise of the Tomb Raider (ROTR), tựa game hành động phiêu lưu đỉnh cao của đầu năm 2016 sẽ là bức tường cuối cùng trong phần test hiệu năng mà G752VT sẽ phải vượt qua. Phần thiết lập cấu hình, bạn có thể xem ở dưới đây, cần lưu ý thêm, với bản cập nhật lớn gần đây, nhà sản xuất Crystal Dynamics đã bổ sung tính năng hỗ trợ tập lệnh đồ họa DirectX 12 cho game. Tuy nhiên, hiệu năng của game khi chạy DirectX 12 chưa thực sự ổn lắm ngay cả với card đồ họa bản máy bàn, vì thế tôi sẽ bỏ qua tùy chọn này khi test ROTR với G752VT. Chưa hết, trong phần thiết lập cấu hình, khi tôi chọn mức preset đồ họa Very High, game lập tức cảnh báo rằng card đồ họa GTX 970M 3GB của máy không đủ dung lượng VRAM cần thiết để chạy game tốt khi ROTR đòi hỏi VRAM phải lớn hơn hoặc bằng 4GB. Vì vậy, tôi buộc phải giảm xuống mức High và bỏ đi tùy chọn PureHair độc quyền dành cho các card đồ họa NVIDIA để đảm bảo hiệu năng tốt nhất có thể. Kết quả benchmark cũng được tôi đặt ngay dưới phần thiết lập cấu hình để bạn đọc dễ dàng theo dõi.

      Như bạn đã thấy, G752VT có số khung hình trung bình được ROTR chấm đã hơn mức chuẩn 60fps dù mức chênh lệch chỉ vỏn vẹn 1fps mà thôi. Dù sao thì kết quả này cũng đảm bảo cho chiếc máy G752VT mà tôi đang cầm trên tay mang lại trải nghiệm tốt trên game này ở mức thiết lập High.​

      V - Nhiệt độ hoạt động

      Điều kiện test

      Kết quả thực nghiệm trên G752VT như sau:

      Không như các linh kiện tương ứng bên máy bàn, CPU và GPU của laptop thường phải chịu thiệt thòi về khả năng tản nhiệt khi chúng phải làm việc trong môi trường rất nhỏ hẹp như khung máy laptop. Vì vậy, theo kinh nghiệm nhiều năm sử dụng laptop của tôi thì nhiệt độ khi tải nặng tốt nhất nằm ở mốc 85*C trở xuống còn tối đa trước khi tiệm cận mức báo động là 90*C. Nhiệt độ trung bình của CPU khi tải nặng của G752VT nhìn chung không có gì đáng nói vì nó rất mát mẻ vì được sở hữu hệ thống tản nhiệt heatpipe hai module tách biệt dành cho CPU và GPU. Tuy vậy, cũng cần phải nói thêm là dù sở hữu hệ thống tản nhiệt hầm hố như vậy nhưng nhiệt độ cao nhất mà CPU phải chịu lại vượt qua mốc 85*C an toàn. Có thể đây là hàng mẫu sample hoặc keo tản nhiệt chưa được thoa đều bề mặt nhân CPU khiến thành phần linh kiện này phải chịu mức nhiệt độ cao như vậy.

      Còn nhân đồ họa GPU thì cho ra mức nhiệt độ cao nhất khi tải lại tốt hơn so với CPU dù chúng được trang bị chung một loại tản nhiệt. Khi chơi Rise of the Tomb Raider, nhiệt độ cao nhất chỉ là 76*C, do đó bạn có thể an tâm mà chiến game lâu dài vì dù nhiệt độ có tăng theo thời gian sử dụng thì cũng rất khó để vượt qua mốc 80*C chứ đừng nói là 85*C. Vì vậy, điểm cần lưu tâm ở phần test này chỉ là CPU khi nhiệt độ cao nhất của nó đã qua mốc 85*C an toàn nhưng chưa chạm điểm tới hạn 90*C. Tôi hy vọng đây chỉ là lỗi xuất hiện trên mẫu máy sample và không xuất hiện trên các máy thương mại.

      Cũng trong phạm vi bài test nhiệt độ này, tôi cũng thử đo nhiệt độ mặt ngoài của máy ở hai vị trí bàn phím và đế máy khi chơi game Rise of the Tomb Raider bằng súng đo nhiệt chuyên nghiệp. Và kết quả dưới đây sẽ khiến cho bạn phải bất ngờ:

      [​IMG]

      Tôi đã điền nhiệt độ đo được ở từng vị trí trên bàn phím và đế máy. Tôi cực kỳ ấn tượng với nhiệt độ trên bàn phím khi không có vị trí nào có nhiệt độ cao hơn 35*C. Mức này được xem là nhiệt độ mà con người cảm thấy khó chịu và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Khu vực bàn phím của G752VT rất mát mẻ và gần như tôi không cảm thấy bất kỳ một chút hơi nóng nào ở đây cả. Điều này là tối quan trọng vì khi chơi game, chỉ cần yếu tố nhiệt độ bàn phím thôi cũng sẽ khiến game thủ bị phân tâm trong những trận chiến lớn. Nhiệt độ mặt đế của máy thì tôi không có nhiều điều để nói vì đây là khu vực nhiệt tập trung rất nhiều và cũng không ảnh hưởng mấy đến trải nghiệm dùng máy của tôi cả.​

      VI - Thời lượng pin

      Như bạn đọc đã biết, hiện tại có rất nhiều bài viết đánh giá về pin khi dùng máy tính xách tay nhưng phần lớn trong số đó tác giả đều thử nghiệm pin không theo một quy tắc nào cả. Vì vậy, cùng một chiếc máy, chúng ta sẽ có nhiều kết quả test pin khác nhau khiến người xem rất khó để nhận định máy có thời lượng pin như thế nào.

      Trong phần test này, tôi sẽ không đi theo lối mòn trên mà thiết lập một bộ quy tắc test pin mà ai cũng có thể làm được để tiện bề so sánh với nhau. Theo đó, các bước test pin laptop của tôi như sau:

      Sẽ có bạn đọc cho rằng, nếu sử dụng phần mềm để đo thời lượng pin thì liệu kết quả có chính xác không? Câu trả lời của tôi dành cho câu hỏi này sẽ là tương đối, vì khi pin còn chừng 17% lập tức PCMark 8 sẽ ngừng bài test và trả về kết quả. Do đó, thời lượng pin theo kết quả của PCMark 8 đưa ra không phải là thời gian thực tế pin sẽ trụ được. Nói chính xác hơn, đây là kết quả mang tính chất tham khảo nhằm giúp người test nhận định nhanh pin của máy có thực sự tốt hay không? Với một chiếc gaming laptop đi kèm cấu hình khủng như G752VT thì tôi không nghĩ máy sẽ có thời lượng pin dùng lâu. Kết quả test pin bằng PCMark 8 bạn đọc có thể xem ở dưới đây:

      [​IMG]

      Thời gian pin trụ được là 1h33' theo kết quả mà PCMark 8 Creative đưa ra. Đây không phải là thời lượng pin lý tưởng lắm dành cho một chiếc laptop. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, cấu hình khủng của G752VT được xem là yếu tố chính ảnh hưởng đến thời lượng pin của máy. Vì vậy, qua vài ngày sử dụng chiếc máy này, tôi khuyên bạn đọc trước khi chơi game nên chịu khó sạc đầy pin cho máy, cố gắng hạn chế dùng máy khi sạc. Sau khi sạc đầy 100%, cứ giữ nguyên nguồn chừng 10' rồi sau đó hãy chơi game vì khi đó G752VT sẽ chuyển sang dùng nguồn điện ngoài và không dùng pin chính của máy nữa.​

      VII - Lời kết

      Dòng gaming laptop ROG luôn là sự lựa chọn hàng đầu nhờ chất lượng phần cứng tốt cũng như đội ngũ hỗ trợ và cộng đồng người dùng đông đảo cực kỳ năng động. G752 series nói chung cũng như G752VT nói riêng trong bài viết này đã phần nào gìn giữ được giá trị nòng cốt của dòng sản phẩm ROG.

      Nếu như dòng G750 và G751 có một chút gì đó từa tựa nhau về ngôn ngữ thiết kế thì G752 lại là một câu chuyện khác. Với mẫu G752VT mà tôi cầm trên tay, máy sở hữu lối thiết kế hiện đại sang trọng hơn với tông màu đen platinum phối cùng những điểm xuyến màu đồng rất bắt mắt. Hơn nữa, ngoài dáng vẻ được thay đổi, ASUS cũng thay đổi hệ thống dàn khe thoát nhiệt, không còn phong cách hai khe lớn như hai thế hệ trước của máy. Qua đó, khả năng tản nhiệt của máy cũng được nâng cao hơn. Chưa hết, khu vực bàn phím của G752VT khi hoạt động rất mát mẻ nhờ vào bộ khung chứa có vỏ làm bằng nhựa. Do đó, bạn có thể vô tư chiến game nhiều giờ liền mà không cảm thấy khó chịu vì nhiệt nữa. Ngoài ra, máy còn được ASUS trang bị khả năng nâng cấp phần cứng mở rộng cho phép người dùng có thể thay thế HDD, SSD M.2 và RAM dễ dàng.

      [​IMG]

      G752VT sở hữu cấu hình thuộc loại khủng trong thế giới gaming laptop, vì vậy nó có thể dễ dàng vượt qua những bài test game nặng của tôi khá dễ dàng. Tiếc rằng, màn hình của G752VT chỉ hỗ trợ độ phân giải Full HD 1080p không được chuẩn QHD 1440p và UHD 2160p thường thấy ở những gaming laptop khác ở thời điểm này. Bù lại, màn hình của nó được sở hữu công nghệ G-Sync 75Hz cho phép game thủ trải nghiệm game mượt mà mà không sợ lag hay xé hình như trước kia nữa. Ngoài ra, cũng phải kể đến chất lượng âm thanh của máy được cải thiện rất nhiều với sự xuất hiện của khe loa trầm đặt ở dưới máy, người dùng chuyên nghe nhạc rock/metal sẽ rất kết với chất lượng âm thanh của G752VT.

      Dù sở hữu nhiều điểm tốt nhưng G752VT cũng gặp phải những hạt sạn không đáng có. Đầu tiên phải nói đến nhiệt độ CPU khi tải game có nhiệt độ vượt quá mức 85*C an toàn trong khi đó GPU thì nhiệt độ lại quá ổn. Điều đáng nói là cả hai đều sở hữu hệ thống tản nhiệt hai module tách biệt mà theo ASUS quảng cáo sẽ cải thiện khả năng tản nhiệt hơn so với các laptop chơi game truyền thống. Tôi chưa rõ là do hàng mẫu hay không nhưng đây cũng là một vấn đề cần lưu tâm cho ASUS trước khi cho chiếc gaming laptop này lên kệ. Ngoài ra, thời lượng pin cũng có thể xem là điểm hạn chế nữa của G752VT khi bài test pin PCMark 8 Creative cho thấy máy chỉ trụ được 1h33'. Nếu G752VT có thể trụ được hơn 2h thì sẽ hay hơn nhiều, nhất là khi độ phân giải của máy phải gánh chỉ là Full HD 1080p.

      Dù sao đi nữa, G752VT cũng là một sự lựa chọn đáng để cân nhắc nếu bạn muốn sở hữu một chiếc gaming laptop có khả năng chơi game tốt ở độ phân giải Full HD. Hiện tại, sản phẩm vẫn chưa được ASUS tiết lộ giá nhưng nhiều khả năng máy sẽ được hãng điện tử Đài Loan ra mắt và mở bán trong tháng 4 năm nay cùng với hàng khủng cao cấp hơn là G752VY.

      Ưu
      Khuyết
      Chỉnh sửa cuối: 5/4/16
    2. alvuong
      alvuong
      Con này chơi The Witcher 3 được ko thớt?
    3. ♦ Heaven ♦
      ♦ Heaven ♦
      Được nha bạn, với con G752VT này có thể chiến được The Witcher 3 với mức high
    4. umbrella_corp
      umbrella_corp
      Lưu ý cho các bạn là nếu chẳng may mất dĩa driver của máy này thì chắc chắn trong bộ phần mềm/driver tải về từ trang chủ ASUS sẽ không có bộ Sonic Suite II.

      Bộ này tập hợp hai chương trình Sonic Studio II và Sonic Radar liên quan đến âm thanh của máy. Cụ thể, Sonic Studio II thì mình đã nói ở trên bài rồi, các bạn chịu khó đọc lại nhé, còn Sonic Radar II là ứng dụng dành cho nhu cầu gaming. Theo đó, nó sẽ tạo một cái radar ảo trên màn hình và khi chơi game nó sẽ báo âm thanh phát ra từ các phía cho người dùng biết. Nếu chưa rõ, các bạn cứ xem clip dưới đây là hiểu:


      Do đó, bạn nên vào trang này để tải về đầy đủ driver cho model G752VT có luôn bộ Sonic Suite II, hoặc tải riêng Sonic Suite II tại đây.

Chia sẻ trang này