HOT [Quick Test] SuperO C7Z270-CG-M - Dàn MOSFET cực mát, ép xung khá nhưng BIOS khó dùng

Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 7/6/17.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    SuperMicro, một cái tên có lẽ người dùng doanh nghiệp đã rất quen thuộc khi khi hãng này đã trở thành huyền thoại nhờ vào chất lượng linh kiện và độ tin cậy cao nhất trong các giải pháp công nghệ máy chủ thế giới. Điều này đã giúp SuperMicro luôn đón nhận sự tôn trọng và tin tưởng từ khách hàng, các đối tác cũng như những đối tượng đang hoạt động trong ngành ICT nói chung. Tại thời điểm này, SuperMicro đã có những động thái rất mạnh mẽ bước chân vào thị trường bo mạch chủ chơi game dù họ đã từng kinh doanh các sản phẩm này sử dụng chipset Z87 của Intel. Tuy nhiên, lần trở lại này của SuperMicro sẽ có điểm khác biệt, không chỉ ở việc sử dụng thế hệ chipset Z270 mới của Intel mà còn đánh dấu sự ra đời của dòng bo mạch chủ phổ thông mới của hãng, SuperO và bo mạch chủ C7Z270-CG-M là một trong những cái tên đi đầu của dòng sản phẩm này.



    Cần lưu ý, dòng bo mạch chủ SuperO của SuperMicro còn phân ra 3 nhánh sản phẩm là Professional Gaming, Core Gaming và Core Business và có tên mã đuôi lần lượt là PG, CG và CB. Và mẫu bo mạch chủ mà tôi nhận được từ SuperMicro, C7Z270-CG-M, thuộc nhóm Core Gaming, có thể xem đây là sản phẩm thuần nhất về hiệu năng của SuperMicro. Theo đó, C7Z270-CG-M được trang bị linh kiện và chất lượng được kiểm định chặt chẽ và điểm chú ý của bo mạch chủ này nằm ở cặp cổng M.2 PCIe Gen 3 x4 cho phép chạy RAID 0,1, socket CPU phủ vàng 15µ, cổng LAN Intel, giải pháp âm thanh đến từ Texas Instrument. Đặc biệt, dàn pha nguồn VRM của C7Z270-CG-M cũng được SuperMicro thiết kế theo tiêu chuẩn máy chủ của hãng, giúp người dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm.

    Tuy vậy, trong bài viết này, tôi sẽ không đề cập nhiều đến vấn đề râu ria khác mà chỉ tập trung vào hiệu năng của bo mạch chủ C7Z270-CG-M của SuperMicro mà thôi. Trước khi đi vào phần hiệu năng, chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ bề ngoài thực tế của bo mạch chủ này nhé, sẽ không có hộp hay phụ kiện gì đâu, đơn giản là vì SuperMicro Việt Nam chỉ đưa cho tôi bo mạch chủ thuần túy thôi.

    IMG_5690.jpg IMG_5691.jpg IMG_5692.jpg IMG_5693.jpg IMG_5694.jpg IMG_5695.jpg IMG_5696.jpg IMG_5697.jpg IMG_5698.jpg IMG_5699.jpg IMG_5700.jpg

    Đặc tả chi tiết của C7Z270-CG-M bạn có thể xem tại trang chủ của SuperMicro theo đường link này.

    Còn về BIOS của C7Z270-CG-M, tôi chỉ có thể nói ngắn gọn là nó khá khó dùng dù cho cách xây dựng giao diện BIOS của bo mạch chủ này được SuperMicro thể hiện theo dạng cây thư mục theo chiều dọc khá giống với nhiều hãng sản xuất khác. Vậy thì nó khó dùng ra sao? Đầu tiên, tôi khá bực mình với cách đặt nút F4 để lưu lại cấu hình và reset máy thay vì F10 như nhiều hãng sản xuất khác mà SuperMicro áp dụng lên bo mạch chủ này. Tôi không rõ liệu trên các bo mạch chủ máy chủ của mình, SuperMicro có làm thế không nhưng với sản phẩm dành cho đối tượng người dùng phổ thông mà họ áp dụng cách thiết lập nút như vậy sẽ gây ra khó khăn trong quá trình làm quen BIOS của người dùng này.

    Thứ hai là lỗi hiển thị thông số của C7Z270-CG-M. Nhiều khả năng đây chỉ là lỗi phần mềm chứ không phải phần cứng, tuy vậy tôi vẫn phải đưa ra vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm ép xung CPU cũng như RAM của tôi trên bo mạch chủ này. Rất nhiều lần tôi thường xuyên bị trường hợp ghi nhận thông số điện thế sai lệch cũng như các thông số liên quan khác hiển thị không đúng hoặc bất hợp lý. Và để xử lý trường hợp này, tôi thường phải reset cứng hệ thống rồi sau đó mọi thứ mới bình thường trở lại. Hy vọng trong các bản cập nhật BIOS sắp tới, SuperMicro sẽ sửa được các lỗi phiền phức này.

    Advanced_[10-08-35].jpg BIOS Update_[10-11-45].jpg Boot Feature_[10-08-44].jpg CPU - Power Management Control_[10-07-22].jpg CPU Configuration_[10-06-44].jpg CPU_[10-06-04].jpg Graphics Configuration_[10-09-28].jpg GT - Power Management Control_[10-07-32].jpg Memory Overclocking Menu_[10-08-14].jpg Memory_[10-07-47].jpg NCT6792D Super IO Configuration_[10-08-53].jpg PCH-FW Configuration_[10-10-04].jpg PCH-IO Configuration_[10-09-40].jpg Power & Performance_[10-07-09].jpg SATA And RST Configuration_[10-09-49].jpg Save & Exit_[10-11-38].jpg Secure Boot_[10-11-07].jpg Security_[10-10-56].jpg Serial Port Console Redirection_[10-09-06].jpg System Agent (SA) Configuration_[10-09-17].jpg Thermal & Fan_[10-11-23].jpg Thunderbolt(TM) Configuration_[10-10-17].jpg Trusted Computing_[10-10-44].jpg USB Configuration_[10-10-25].jpg PCIe-PCI-PnP Configuration_[10-10-35].jpg

    Lúc này có lẽ các bạn thấy BIOS của C7Z270-CG-M toàn lỗi tuy nhiên có một điểm mà tôi cực kỳ ưng ý ở BIOS bo mạch chủ này chính là các profile xung nhịp CPU của nó. Nếu như ở các bo mạch chủ khác, tính năng này thường mang tính chất trang trí là chính nhưng với C7Z270-CG-M thì hoàn toàn không. Khi bạn sử dụng profile xung nhịp CPU i7-7700K 5.1GHz của C7Z270-CG-M, bo mạch chủ sẽ tiến hành thiết lập các thông số điện thế và xung nhịp để hệ thống có thể chạy vững mức xung này. Và quả thật, C7Z270-CG-M hoàn toàn chạy được mức xung 5.1GHz trên CPU i7-7700K của tôi một cách dễ dàng, dù điện thế cấp cho CPU này là không hề nhỏ. Nên nhớ rằng, nhiều bo mạch chủ khác có tính năng này thường chỉ cho phép người dùng boot vào windows với mức xung trên nhưng khi chạy ứng dụng nặng thường bị lỗi màn hình xanh hay không chạy được ứng dụng. Với C7Z270-CG-M, bạn có thể yên tâm vì bo mạch chủ của SuperMicro có thể chạy được bất kỳ ứng dụng nặng nào khi bạn sử dụng profile ép xung CPU trên BIOS của nó. Tại sao tôi lại sử dụng profile 5.1GHz của C7Z270-CG-M mà không dùng các profile khác? Đơn giản là vì CPU i7-770K của tôi chỉ có thể lên cao nhất là 5.1GHz khi sử dụng tản nhiệt nước EK Predator 280 ở các bo mạch chủ khác. Tuy nhiên, nếu CPU của bạn có thể chạy được hơn mức 5.1GHz và đang sử dụng bo mạch chủ C7Z270-CG-M của SuperMicro thì bạn nên cân nhắc sử dụng tính năng profile xung nhịp của nó nhé!

    Sau đây là cấu hình thử nghiệm trước và sau khi đã ép xung CPU của tôi khi sử dụng bo mạch chủ C7Z270-CG-M của SuperMicro:



    Cấu hình thử nghiệm trước khi ép xung. Chân thành cám ơn Intel, SuperMicro, MSI, Crucial, ASUS và FSP đã giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này.


    CPU i7-7700K đã được ép xung lên 5.1GHz nhưng điện thế được profile set khá cao ở mức 1.55V.

    Tiếp theo là danh sách các bài test được tôi thực hiện với bo mạch chủ của SuperMicro:

    Trình benchmark:

    Games:

    Cuối cùng là bảng kết quả các bài test trước và sau khi ép xung CPU i7-7700K lên 5.1GHz:











    Nhìn các biểu đồ, nếu chỉ xét riêng về các bài benchmark hiệu năng hệ thống hoặc CPU, chúng ta có thể thấy được hiệu năng sau khi ép xung của i7-7700K kết hợp cùng bo mạch chủ SuperO C7Z270-CG-M là khá tốt. Tuy nhiên, ở các bài test thiên về GPU như game thì kết quả sau khi ép xung chưa thực sự tạo ra khác biệt. Điều này là có thể hiểu được khi mà hệ thống của tôi sử dụng card đồ họa khá mạnh là GTX 1070 và các game này đã được NSX tối ưu để có thể tận dụng tài nguyên GPU tốt. Vì thế, hệ thống của tôi sẽ không bị hiện tượng thắt cổ chai qua đó mà tài nguyên CPU sẽ không được tận dụng quá nhiều giúp game hoạt động trơn tru hơn. Một điều rất đặc biệt là khi tôi sử dụng hệ thống này để chơi game hay thử nghiệm các bài test trước và sau khi ép xung CPU, dàn pha nguồn của C7Z270-CG-M cực kỳ mát mẻ không như nhiều bo mạch chủ khác khi hoạt động đều rất nóng ở khu vực này.

    Nhìn một cách sơ bộ, SuperO C7Z270-CG-M là một bo mạch chủ khá tốt của SuperMicro nếu như chủ sở hữu của nó không quan tâm quá nhiều đến lĩnh vực ép xung hay động chạm nhiều với các tính năng của nó thông qua BIOS. Vì như tôi đã nói ở trên, BIOS của chiếc bo mạch chủ này khá khó dùng và không thân thiện lắm với người dùng phổ thông, có lẽ là tư duy thiết kế BIOS chuyên về bo mạch chủ server của SuperMicro đã được các kỹ sư hãng thấm nhuần khi làm việc trên bo mạch chủ phổ thông. Chưa hết, BIOS này của bo mạch chủ này vẫn cần phải cải thiện nhiều điểm, đặc biệt là thông số điện thế hiển thị lỗi hay không chính xác khi tôi nhập giá trị. Tuy nhiên, những lỗi này sẽ được SuperMicro sửa rất nhanh thông qua các bản cập nhật BIOS sắp tới của hãng. Điểm tôi rất kết ở sản phẩm này nằm ở chất lượng linh kiện đúng với đẳng cấp thương hiệu của SuperMicro, được thể hiện qua nhiệt độ dàn pha nguồn của C7Z270-CG-M. Nhiệt độ của chúng không quá nóng và với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, tôi có thể khẳng định nhiệt độ khu vực pha nguồn của SuperO C7Z270-CG-M mát hơn khá nhiều bo mạch chủ Z270 hiện nay.

    Như đã nói, sức mạnh của SuperO C7Z270-CG-M là nằm ở chất lượng linh kiện nhưng để có thể thuyết phục người dùng, SuperMicro cần cải thiện thêm về phần mềm của họ, mà cụ thể là BIOS của bo mạch chủ này. Chưa hết, tôi quên đề cập trong bài viết là SuperMicro còn thiết kế cả phần mềm hỗ trợ ép xung trên nền Windows "SUPERO Booster Overclocking Utility" dành cho các bo mạch chủ của hãng. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi sử dụng cách ép xung truyền thống là vào BIOS của bo mạch chủ để thiết lập thông số. Do đó, phần mềm này đã bị tôi bỏ qua. Đó là phần mềm chính hãng duy nhất mà SuperMicro viết dành cho sản phẩm của mình. Hy vọng rằng trong tương lai họ có thể phát triển các phần mềm khác hỗ trợ nhiều hơn cho người dùng phổ thông mà đặc biệt là giới game thủ, đối tượng mà nhóm sản phẩm Core Gaming với đại diện là SuperO C7Z270-CG-M hướng đến.
     

    Các file đính kèm:

    :
    Chỉnh sửa cuối: 13/6/17
    cohay thích bài này.
  2. cohay

    cohay Well-Known Member

    Bài viết:
    2,243
    Main này có vẻ hệ thống phase nguồn ngon!
     

Chia sẻ trang này