HOT [Quick Review] Totolink N9 - Thiết kế đẹp tương thích mọi vị trí, xuyên tầng khá tốt, độ ổn định cao

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 8/10/16.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Trước đây tôi đã từng sử dụng qua chiếc router xuyên tầng cực tốt của Totolink là mẫu N300RH, và lần này tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm tiếp một sản phẩm của Totolink nữa, nhưng không phải là router mà là access point, đó là Totolink N9. Sở dĩ tôi cố tình nhắc đến N300RH trong bài viết về N9 là vì một lẽ, cả hai đều được Totolink ưu ái áp đặt công suất làm việc lên đến 500mW, do đó tôi có thể an tâm về hiệu suất làm việc ổn định của N9 ít nhất là trên lý thuyết. Và bây giờ, tôi sẽ tiến hành đánh giá nhanh chiếc access point (AP) có thiết kế ngoài đơn giản và độc đáo này của Totolink và xem thử hiệu năng thu về từ nó ra sao.

    2305_bo-tiep-song-TOTOLINK-N9-POE-01.jpg

    Trước khi đi sâu vào bài viết, tôi sẽ đưa ra một số đặc điểm nổi trội của N9 như sau:

    • Chuẩn WiFi hỗ trợ N 300Mbps
    • Thiết kế treo trần nhà
    • Cổng kết nối LAN 10/100Mbps, hỗ trợ cấp nguồn qua dây mạng (PoE - 802.11af)
    • Hỗ trợ 3 SSID, tối đa 40 kết nối
    • Anten ngầm 2 x 4dBi hỗ trợ công nghệ MiMO.
    • Các chế độ sử dụng Repeater, Bridge, WDS
    • Hỗ trợ quản lý tập trung với phần mềm TOTOLINK SoftAC
    • Cho phép tạo lịch tự khởi động lại
    • Tỏa rất ít nhiệt khi hoạt động, khả năng làm việc liên tục không bị treo nhờ công suất làm việc lên đến 500mW
    Mọi thông tin chi tiết về AP N9, bạn đọc có thể xem tại trang chủ của Totolink theo đường link này. N9 có giá thị trường khoảng 1.500.000 đồng cho bản đầy đủ và 1.200.000 cho bản không adapter PoE tùy nơi bán.​

    I - Unbox

    IMG_1211.jpg
    IMG_1213.jpg

    Từ vỏ hộp ngoài, người dùng cũng đã có thể mường tượng về hình dáng của AP N9 cũng như 3 tính năng chủ lực của nó được Totolink nhấn mạnh ở mặt trước hộp. Cụ thể, nhà sản xuất Hàn Quốc mô tả N9 là một chiếc AP có khả năng phủ sóng WiFi chuẩn N 300Mbps rộng với 2 anten ngầm cùng thiết kế có thể tương thích ở mọi vị trí đặt dù chủ yếu là trần nhà. N9 còn được hỗ trợ cấp nguồn thông qua dây mạng Cat5e, Cat6 nhờ vào adaptor PoE có sẵn, qua đó sẽ giúp người dùng có thể lắp đặt N9 tiện lợi hơn bao giờ hết mà không sợ tình trạng thiếu dây nguồn như gặp ở những AP truyền thống khác. Đặc biệt N9 còn có ứng dụng quản lý tập trung riêng là SoftAC cho phép người dùng có thể thiết lập cấu hình cho chiếc AP này mà không cần phải truy cập vào địa chỉ IP của nó. Mặt sau hộp Totolink khai báo toàn bộ cấu hình của N9 cũng như trình bày cách thức sử dụng N9 trong hệ thống mạng tại gia bằng hình ảnh khá trực quan và dễ hiểu.

    IMG_1215.jpg

    Đây là toàn bộ phụ kiện của N9 bao gồm 1 adaptor PoE, 1 dây nguồn, 2 catalogue hướng dẫn và 1 bịt ốc cố định treo trần nhà.

    IMG_1216.jpg
    IMG_1219.jpg
    IMG_1230.jpg

    Và đây là nhân vật chính của chúng ta, Totolink N9. Chiếc AP này sở hữu lối thiết kế hình tròn cực đơn giản và độc đáo với cặp anten 4dBi chìm ẩn bên trong lớp vỏ ngoài của nó thay vì anten lộ thiên như nhiều AP khác trên thị trường. Xung quanh rìa của N9 có các khe thoát nhiệt cho phép nó có thể hoạt động lâu dài mà không gặp quá nhiều vấn đề về tản nhiệt. Mặt trên của N9 ở gần logo Totolink có dàn đèn LED tín hiệu ở dưới thông báo trạng thái hoạt động của nó, cho phép người dùng có thể tiến hành xử lý sự cố nhanh chóng nếu N9 nảy sinh vấn đề trong quá trình sử dụng. Như ảnh trên, N9 có đèn LED xanh đỏ nhấp nháy liên tục (Khi chụp ảnh sẽ có màu tím) thông báo quá trình kết nối AP và router chính của hệ thống mạng đang diễn ra, khi kết nối thành công đèn LED sẽ thành màu xanh còn không thì sẽ là màu đỏ. Dù được thiết kế để treo lên trần nhà nhưng N9 vẫn có thể được đặt trên bàn làm việc bình thường.

    IMG_1220.jpg
    IMG_1221.jpg

    Nhằm giữ chặt dây mạng cấp nguồn cho N9 không bị lỏng lẻo, N9 được trang bị thêm cả ngàm khóa hình tròn có thể tháo được ở mặt dưới của mình. Bạn vẫn có thể không cần ngàm khóa này cũng được nhưng với điều kiện đầu cáp mạng RJ-45 của bạn phải được bấm cực kỳ vững chắc để không bị rơi ra trong quá trình sử dụng lâu dài. Ngoài ra, nếu gắn lên trần nhà hoặc treo tường, bạn buộc phải gắn ngàm khoá này vào N9. Do đó, dù trong trường hợp nào, để đảm bảo hệ thống mạng nhà luôn sẵn sàng, bạn nên cài khóa lại cho chiếc N9.

    IMG_1226.jpg

    Về cổng kết nối, N9 chỉ có duy nhất một cổng kết nối LAN 100Mbps. Cách kết nối cho N9 vào hệ thống mạng rất đơn giản. Bạn cần 1 dây cáp mạng kết nối cổng này với cổng LAN/PoE trên adaptor PoE để vừa cấp nguồn vừa truyền tín hiệu. Và từ adaptor này, chúng ta sẽ cần thêm 1 dây cáp mạng nữa kết nối đến router chính của hệ thống mạng. Như vậy, chúng ta đã thành công trong việc đặt N9 vào hệ thống mạng rồi. Bên cạnh cổng kết nối LAN, N9 có một nút Reset dạng lỗ chọc. Cá nhân tôi không thích nút Reset dạng này, mà thay vào đó, Totolink nên làm dạng nút nổi để người dùng dễ thao tác hơn là phải dùng đầu bút bi hay đầu vít nhỏ đâm vào.​

    II - Cấu hình và thử nghiệm
    • Cấu hình
    Đối với AP N9, Totolink cho phép người dùng có thể sử dụng 2 cách để cấu hình: thứ nhất là theo cách truyền thống tức là dùng trình duyệt, và cuối cùng là sử dụng phần mềm SoftAC để tùy chỉnh. Và tôi sẽ demo cách cấu hình truyền thống trước rồi mới dùng SoftAC.

    1.jpg
    2.jpg
    Vì là AP nên mặc định khi bạn kết nối N9 với router chính thì ngay lập tức nó sẽ tự cấu hình và phát sóng WiFi với SSID là Totolink N9. Tuy nhiên, SSID này lại không có mật mã do đó không đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống mạng của tôi nên buộc lòng tôi phải cho N9 kết nối với PC của mình để cấu hình bằng tay trước. Một điểm nữa cần lưu ý là nếu bạn để IP của máy theo dạng tự động thì khi bạn gõ vào trình duyệt web địa chỉ 192.168.1.1 (trang cấu hình của Totolink N9), bạn sẽ không thể vào trang cấu hình của AP này được. Do đó, bạn phải cấu hình IP máy mình thành IP chỉnh tay cùng lớp với địa chỉ IP 192.168.1.1 (trong bài viết này tôi đặt IP máy mình là 192.168.1.12 cùng Default Gateway là 192.168.1.1) thì mới vào được giao diện cấu hình như hình trên.

    Không có gì quá ngạc nhiên khi trang cấu hình của N9 lại có giao diện đơn giản và ít tùy chọn đến thế. Đơn giản thiết bị này chỉ là một AP nên nó không có nhiều tính năng như một chiếc router truyền thống. Và giao diện tùy chỉnh này có thể xem là một chuẩn mực tạo nên thương hiệu Totolink khi mà các sản phẩm khác của hãng mà tôi có dịp dùng qua như N151RT hay N300RH đều sở hữu chung lối thiết kế giao diện này.

    3.jpg
    Ở mục Operational Mode, N9 sẽ cung cấp cho bạn 3 chế độ hoạt động bao gồm Bridge (Mặc định), Repeater và WISP. Trong bài viết này, tôi sẽ thử nghiệm hiệu năng của N9 ở chế độ mặc định là Bridge vì đây là sự lựa chọn hàng đầu mà đa số người dùng khi mua sản phẩm sẽ chọn đầu tiên.

    4.jpg
    5.jpg
    CloudAC Bind cho phép N9 kết nối đến bộ Wireless LAN Controller (ví dụ Totolink AC500) để người dùng có thể thực hiện các tác vụ đổi tên SSID, nâng cấp firmware hoặc các tác vụ quản trị khác trên N9 và nhiều AP khác cùng kết nối đến bộ Controller này cùng một lúc. Trong phần Network, N9 chỉ có duy nhất mục LAN Settings cho phép bạn thiết lập địa chỉ IP chính và phụ của N9 khi được kết nối vào hệ thống mạng tại gia.

    6--11.gif
    Tiếp theo sẽ là một số tùy chỉnh về tính năng phát sóng WiFi của N9. Thường các tùy chỉnh này có tác dụng tương tự khi bạn thiết lập một chiếc router, do đó nếu bạn đã từng dùng một số sản phẩm của Totolink hay đọc qua phần cấu hình ở bài viết đánh giá N300RH của tôi thì có thể áp dụng tương tự với chiếc AP N9. Tuy nhiên, khác với N300RH, N9 không có tính năng QoS do đó bạn sẽ không giới hạn được băng thông mạng cho các client khi kết nối với AP này.

    12--18.gif
    Cuối cùng là một số tùy chỉnh về mục quản lý N9 và chúng cũng tương tự với những sản phẩm router của Totolink. Do đó, nếu bạn là người dùng có kinh nghiệm hoặc đã sử dụng qua nhiều sản phẩm thiết bị mạng của Totolink thì phần này tôi sẽ không múa rìu qua mắt thợ nữa.

    Tiếp theo tôi sẽ demo tiếp cách cấu hình N9 dùng chương trình SoftAC. Ứng dụng này đúng ra phải có sẵn trong dĩa cài đặt (nếu có) theo bộ phụ kiện kèm theo của AP này, nhưng tôi buộc phải liên hệ đại diện của Totolink để có được file cài đặt ứng dụng này. Tôi chưa rõ trong sản phẩm bán ra, nhà sản xuất Hàn Quốc có thủ sẵn dĩa cài SoftAC theo cho người dùng khi mua AP N9 hay không? Nhưng nếu không có thì đây sẽ là điểm trở ngại lớn không đáng có của N9 khi mà SoftAC là một trong 3 tính năng quan trọng được trình bày ngay phía trước hộp đựng của nó.

    1.jpg
    2.jpg 3.jpg 4.jpg 5.jpg 6.jpg 7.jpg 8.jpg 9.jpg
    Vì đa phần các tùy chỉnh trên SoftAC đều có tính chất tương đương với giao diện tùy chỉnh trên nền web truyền thống nên tôi sẽ không có bổ sung gì thêm trong phần này.

    • Thử nghiệm
    Môi trường test:

    14599758_1295878567090884_1452672918_o.jpg
    • Kết quả test:
    Phòng 1:

    Kết quả Speedtest ở phòng 1 chưa cho thấy bất kỳ một kết quả tiêu cực nào khi cả iPhone 5s, iPad Mini 2 lẫn Laptop đều đạt băng thông tải về/tải lên tối đa là trên dưới 28Mbps.

    A.jpg
    Kết quả Speedtest trên iPhone 5s (trên cùng), iPad Mini 2 (giữa) và Laptop.

    Phòng 2:

    Kết quả Speedtest phòng 2 cũng tương tự như ở phòng 1. Điều này là dễ hiểu vì cả hai phòng đều chung 1 tầng.

    B.jpg
    Phòng 3:

    Xuống dưới 1 tầng lầu, trong khi iPhone 5s cũng như iPad Mini 2 đều giữ được băng thông ở mức tối đa thì Laptop đã có sự sụt giảm về tốc độ tải về. Tuy nhiên mức giảm cũng chỉ là 2Mbps chưa thực sự cao lắm.

    C.jpg
    Phòng 4:

    Không như phòng 3, băng thông laptop đã ổn định hơn cho thấy khả năng phát sóng xa của N9 khá hiệu quả. Trong khi đó, iPhone 5s lẫn iPad Mini 2 đều giữ vững băng thông mạng ở mức tối đa.

    D.jpg
    Phòng 5:

    Tới tầng cuối của môi trường test, lúc này chúng ta đã thấy có sự thay đổi về băng thông mạng là rất lớn. Cụ thể, iPhone 5s là thiết bị tốt nhất khi băng thông tải về/tải lên bị tiêu hao kha khá nhưng vẫn nằm trong mức khá tốt. Còn 2 thiết bị còn lại là iPad Mini 2 và Laptop có sự sụt giảm tốc độ băng thông rất mạnh nhưng iPad Mini 2 nhỉnh hơn ở băng thông tải lên.

    E.jpg
    Phòng 6:

    Ở phòng cuối cùng, cả iPhone 5s lẫn Laptop đều bị loại khỏi cuộc chiến vì kết nối WiFi đến N9 là quá yếu. Trong khi đó, iPad Mini 2 thì bắt được sóng từ N9 nhưng tốc độ rất chậm, và với tốc độ này chỉ đảm bảo cho bạn duyệt web có nội dung đơn giản như Google, Reddit, Quora,... trong khi các ứng dụng thường dùng như Facebook, Facebook Messenger, Zing News hay Viber tải rất chậm hoặc nhiều lúc không tải được.

    F.jpg

    III - Lời kết

    Ưu điểm:
    • Thiết kế đơn giản và đẹp có thể tương thích với bất kỳ vị trí đặt nào, kể cả bàn làm việc dù N9 chủ yếu dùng để treo tường, trần nhà.
    • Cặp anten ngầm R/T 4dBi phát sóng xa và xuyên tầng tốt.
    • Công suất khủng 500mW đảm bảo hoạt động ổn định lâu dài.
    • Có phần mềm cấu hình SoftAC giao diện thân thiện phù hợp nhiều đối tượng người dùng khác nhau.
    • Giao diện người dùng truyền thống trên nền web của N9 không khó để làm quen vì không có nhiều tuỳ chỉnh phức tạp như router.
    • Sử dụng adapter PoE cấp nguồn qua cáp mạng cho khả năng mở rộng phạm vi lắp đặt N9 dễ dàng.
    • Được hỗ trợ firmware thường xuyên.
    Khuyết điểm:
    • Không kèm dĩa cài phần mềm SoftAC mà phải liên hệ đại diện Totolink hoặc An Phát để tải về.
    • Nút Reset dạng lỗ chọc rất khó thao tác nếu không có vít đầu nhỏ hoặc đầu kẹp giấy.
    • Giá chưa thơm với bản đầy đủ có adapter PoE.


    editor.jpg
     
    :

Chia sẻ trang này