HOT [Guide] Intel Chipset H81-B85-H97-Z97 – Bạn sẽ chọn ai? - Kỳ 1: Thử nghiệm cùng i7-4790K

Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 17/4/15.

By umbrella_corp on 17/4/15 lúc 10:20
  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    1_2.jpg
    Đây có thể nói là một chủ đề muôn thuở khi bạn đọc đang có ý định cân nhắc nâng cấp dàn máy cũ kĩ của mình hay quyết định tậu dàn máy mới. Khi ấy, bạn đọc thường lên các trang diễn đàn công nghệ tại Việt Nam như amtech, tinhte hay voz để tìm sự tư vấn từ các thành viên diễn đàn dựa trên số tiền đầu tư mà bạn đọc bỏ ra.

    Các hệ thống tư vấn mà nhiều thành viên diễn đàn này đưa ra rất đa dạng và phong phú, tất nhiên tôi không loại trừ một số hỗ trợ viên của các thương gia công nghệ đưa ra một số giải pháp mang tính “định hướng” người dùng rất lộ. Tôi không cho đấy là sai nhưng các kiểu tư vấn như vậy thường chỉ mang lợi ích về một phía, ở đây tôi đang nói đến lợi ích bán hàng của các thương gia khi họ đang có chiến dịch đẩy mạnh doanh số sản phẩm mà họ đang kinh doanh. Sở dĩ tôi nói lợi ích từ một phía vì nếu sản phẩm đó không thực sự tốt như mong đợi thì người chịu thiệt thòi sẽ là khách hàng.

    Tới đây, bạn đọc cho rằng tôi đang định hướng các bạn không nên tin tưởng các giải pháp mà hỗ trợ viên của các thương gia đưa ra? Thực ra không phải thế, vẫn có rất nhiều những tư vấn viên rất am tường về sản phẩm mà họ tư vấn, họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn các thành phần linh kiện để giúp bạn đọc có được hệ thống máy tốt hơn với số tiền đầu tư của mình. Tuy nhiên, họ đang đi dần vào lối mòn không dứt ra được khi chỉ cần biết nhu cầu và giá tiền đầu tư bộ máy từ người dùng thì có thể làm tư vấn. Cái thời đó đã qua rồi, ít nhất là vào thời điểm hiện tại khi mà người dùng có thể tiếp cận nhiều thông tin cấu hình từ mạng Internet để có được những quyết định cho riêng mình.

    Bo mạch chủ là một trong những thành phần quan trọng trong hệ thống máy bàn. Việc xác định được vi xử lý cần mua sẽ dẫn đến sự lựa chọn bo mạch chủ phù hợp. Đối với nền tảng từ Intel, nhiều người cho rằng nếu chọn mua các CPU dòng K (mở khóa ép xung theo hệ số nhân) thì đầu tư bo mạch chủ chipset Z97 chuyên về ép xung sẽ là hợp lý, tương tự cho CPU không K là các bo mạch chủ chipset H97, B85, H81 không có khả năng ép xung thông qua việc kéo hệ số nhân. Đấy là nhận định chính xác, tuy nhiên nó chỉ đúng thì đứng dưới góc nhìn từ Intel mà thôi. Nhiều hãng sản xuất bo mạch chủ như ASUS, Gigabyte và MSI đã có những BIOS mới dành cho các bo mạch chủ chipset H97, B85 và H81 cho phép mở khóa ép xung theo hệ số nhân. Qua đó khoảng cách về hiệu năng giữa các chipset đã không còn quá cách biệt về lý thuyết. Tất nhiên vẫn còn một số điểm hạn chế giữa các chipset cụ thể là các tính năng mà Intel hỗ trợ như RST (Rapid Storage Technology), SRT (Smart Response Technology), SBT (Small Business Advantage), số lượng khe cắm PCI Express v.v… nhưng nếu chỉ xét riêng hiệu năng vi xử lý thì tôi không nghĩ là sẽ có quá nhiều khác biệt nếu tất cả đều chạy chung một vi xử lý với xung nhịp như nhau.

    intel-motherboard-wallpaper-45411-46629-hd-wallpapers.jpg

    Thông qua bài viết này, tôi sẽ giúp bạn đọc có được nhiều thông tin cần thiết về các dòng chipset bo mạch chủ Intel từ H81, B85 tới H97, Z97 để các bạn có thể tự quyết định cho mình một chiếc bo mạch chủ thực sự phù hợp với nhu cầu cũng như giá tiền tốt nhất có thể. Bài viết sẽ được chia thành hai kỳ, kỳ 1 tôi sẽ thử nghiệm một số bo mạch chủ có chipset như trên với CPU i7-4790K – trùm cuối của các vi xử lý dòng K trên nền socket 1150 và kỳ 2 tôi sẽ thử các bo mạch chủ ấy với vi xử lý cấp thấp hơn nhưng có hỗ trợ ép xung theo hệ số nhân là Pentium G3258. Sau đó tôi sẽ thử so sánh hiệu năng của các bài test thực tế như chơi game và làm việc giữa các chipset với nhau khi sử dụng CPU i7-4790K và G3258 có gì khác biệt và đưa ra kết luận cuối cùng.
     
    :
    Chỉnh sửa cuối: 23/12/15

Bình luận

Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 17/4/15.

    1. umbrella_corp
      umbrella_corp
      I - Tìm hiểu thông số các chipset và điểm mạnh yếu của chúng

      Hiện tại trên thị trường Việt Nam, các bo mạch chủ H87, Z87 hiện đã bị clear hàng sạch sẽ do sự xuất hiện của H97 và Z97, còn các bo mạch chủ H81 và B85 vẫn còn tồn tại nhờ vào giá rẻ và sức mua của người dùng khi đầu tư vào các hệ thống máy bàn tầm thấp và tầm trung. Vì thế trong bài viết này, tôi đã lượt bỏ hai chipset H87 và Z87 và không bàn đến nó nữa. Sau đây là bảng so sánh chi tiết thông số giữa các chipset với nhau mà tôi thu thập được từ trang công nghệ online www.pugetsystems.com:

      chipset_specs.png

      Các thông số này được www.pugetsystems.com tham chiếu từ trang chủ Intel nên bảng so sánh ở trên có thể tin tưởng được. Nhìn bảng thông số và phân tích nhanh từng cặp chipset, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy giữa H97 và Z97 đều giống nhau ở mọi thông số, sự khác biệt giữa chúng chỉ là Bus bộ nhớ hỗ trợ, khả năng chạy SLI/CF thông qua cách phân chia số lanes PCI Express, khả năng ép xung qua hệ số nhân.

      Là chipset được thiết kế dành cho hệ thống ép xung cũng như hiệu suất hoạt động cao, Z97 được hưởng khả năng ép xung thông qua hệ số nhân CPU, Bus bộ nhớ hỗ trợ xung nhịp cao hơn mức 1600MHz và nhất là khả năng phân chia số lanes PCI Express cần thiết cho hệ thống chạy đa card đồ họa SLI/CF. Trong khi đó, H97 được thiết kế cho nhu cầu sử dụng máy ổn định vì thế nó không được hỗ trợ 3 tính năng trên như Z97. Tuy nhiên, với việc các nhà sản xuất bo mạch chủ lớn như ASUS, Gigabyte và MSI tung ra các bản BIOS mở khóa ép xung cho bo mạch chủ H97 thì chipset H97 chỉ còn thiếu 2 tính năng hỗ trợ Bus bộ nhớ xung nhịp cao và phân chia số lanes PCI Express. Chính vì thế, khoảng cách giữa H97 và Z97 cũng đã thu hẹp là một chút.

      Còn cặp chipset còn lại B85 và H81, cũng tương tự như Z97 và H97, chúng cũng có nhiều điểm tương đồng nhưng số lượng điểm khác biệt rõ ràng hơn so với cặp chipset kia. Cụ thể, B85 hỗ trợ Bus bộ nhớ xung nhịp 1333/1600MHz trong khi H81 chỉ là 1333MHz, 2 tính năng độc quyền của Intel là SBA và SRT thì B85 có hỗ trợ còn H81 thì không và cuối cùng là số lượng khe PCI Express hỗ trợ với B85 là 8 như H97/Z97 còn H81 chỉ là 6. Tương tự H97, B85 và H81 là 2 chipset không được hỗ trợ mở khóa ép xung từ Intel nhưng thông qua việc cập nhật BIOS mới từ các nhà sản xuất bo mạch chủ, chúng ta vẫn có thể ép xung được trên các bo mạch chủ sử dụng 2 nền tảng chipset này thông qua hệ số nhân CPU. Chưa hết, với BIOS mới nhất, các bo mạch chủ H81 của ASUS có khả năng chạy RAM xung nhịp Bus 1400MHz.

      Hãy lưu ý, đối với chipset H81, phiên bản PCI Express hỗ trợ trên khe cắm 16 lanes của chipset này chỉ là 2.0 dù CPU bạn sử dụng có hỗ trợ PCI Express 3.0, các chipset còn lại đều hỗ trợ PCI Express 3.0. Chưa hết, chipset H81 này chỉ hỗ trợ tối đa 2 khe cắm RAM chạy kênh đôi trong khi các chipset kia hỗ trợ tối đa 4 khe cắm RAM và chạy kênh đôi cho từng cặp module RAM.

      Nhìn tổng quát hơn từ 4 chipset H81, B85, H97 và Z97, tôi đã đưa ra những điểm chung và khác nhau giữa các chipset như sau:

      Điểm chung:
      • Hỗ trợ CPU Haswell socket 1150
      • Đều có ít nhất một khe cắm PCI Express 16 lanes
      • Hỗ trợ chạy kênh đôi bộ nhớ RAM
      • Bộ nhớ RAM chạy ở mức xung nhịp Bus ít nhất là 1333MHz
      • Hỗ trợ các chuẩn kết nối thiết bị USB 2.0, USB 3.0, SATA III
      Điểm khác biệt:
      • Z97 có khả năng phân chia số lanes PCI Express phục vụ cho các hệ thống đa card đồ họa
      • Số lượng khe cắm RAM tối đa của Z97/H97/B85 là 4 và H81 là 2
      • Z97 hỗ trợ chạy RAM bus cao hơn 1600MHz, với H97/B85 tối đa là 1600MHz còn H81 là 1333MHz
      • Các chipset hỗ trợ tính năng RST: Z97 và H97
      • Các chipset hỗ trợ tính năng SRT: Z97, H97 và B85
      • Các chipset hỗ trợ tính năng SBA: B85
      • Số lượng khe cắm PCI Express 2.0 tối đa: 8 dành cho Z97/H97/B85 và 6 dành cho H81
      • Hỗ trợ khe M.2: Z97 và H97
      • Hỗ trợ ép xung CPU thông qua hệ số nhân: Z97

      Thông qua việc cập nhật BIOS mới nhất, hiện tại các bo mạch chủ H97, B85 và H81 của ASUS, Gigabyte và MSI đã có thể ép xung CPU thông qua hệ số nhân, riêng với bo mạch chủ H81 của ASUS, bộ nhớ RAM có thể nâng xung Bus từ 1333 lên 1400MHz.
      Chỉnh sửa cuối: 17/4/15
    2. umbrella_corp
      umbrella_corp
      II - Cấu hình thử nghiệm

      Ở phần này, tôi sẽ giữ nguyên mọi thành phần linh kiện máy tính như CPU, RAM, VGA, PSU... chỉ thay đổi ở linh kiện bo mạch chủ với 4 bo mạch chủ chipset H81, B85, H97 và Z97 cho mỗi bài test để đảm bảo công bằng. Các thông số ngoài CPU và RAM, tất cả đều giữ mặc định, riêng CPU sẽ có 2 phần mặc định và ép xung còn RAM sẽ có 3 xung nhịp bus RAM 1400MHz/1600MHz/2400MHz cho các chipset lần lượt là H81/B85, H97/Z97 nhằm để làm rõ vai trò của RAM liệu có ảnh hưởng nhiều tới hiệu năng tổng thể hay không?

      Dưới đây là cấu hình chi tiết, 4 bo mạch chủ đại diện cho 4 chipset H81, B85, H97 và Z97 sẽ là H81M-D, B85-Vanguard, H97-Pro và Z97 Maximus VII Gene từ ASUS.

      Lưu ý: Do giới hạn của Intel áp đặt cho các chipset nên với CPU i7-4790K, với xung nhịp danh định khi Turbo Boost là 4.4GHz nhưng thực tế thử nghiệm tải nặng cả 4 core chỉ là 4.2GHz, trong khi 1 core sẽ lên được 4.4GHz. Vì thế tôi đã set bằng tay mức xung 4.4GHz dành cho CPU trong BIOS của 4 bo mạch chủ này. Tuy nhiên với bo mạch chủ thuộc chipset H81 là H81M-D thì việc này không thực hiện được vì khi vào Windows kiểm tra thì tôi chỉ thấy xung nhịp của i7-4790K chỉ là 4.2GHz dù trong BIOS đã set là 4.4GHz. Vì thế phần test i7-4790K trên bo mạch chủ này tôi quyết định ép xung CPU lên chứ không test mặc định nữa.


      specs.png
      Chân thành cám ơn các đối tác ASUS, Intel, Kingston và Corsair đã giúp chúng tôi thực hiện bài viết này.
    3. umbrella_corp
      umbrella_corp
      III - Các bài test hiệu năng và kết quả

      Dưới đây là các bài test hiệu năng mà tôi dùng để thử nghiệm các bo mạch chủ với i7-4790K:
      Round 1: Test lấy kết quả khi xung nhịp CPU i7-4790K được set 4.4GHz bằng thông số Turbo Boost, riêng trên bo mạch chủ H81M-D là 4.6GHz.

      Có thể nói ở mức mặc định xung Turbo Boost 4.4GHz, cả 3 bo mạch chủ B85-Vanguard, H97-Pro và Z97-Maximus VII Gene có điểm số hiệu năng gần như cân bằng nhau trong hầu hết các bài test (ngoại trừ bài test RAM và Cache của AIDA64) dù mức xung RAM của cả 3 đều set ở các mức khác nhau (với B85/H97 là 1600MHz còn Z97 là 2400MHz). Qua đây, tôi cho rằng vai trò của RAM khi sử dụng thực tế không thực sự nổi bật, nếu không muốn nói là nó có phần chìm hẳn so với CPU. Còn riêng với H81M-D thì điểm số của nó ở vài bài test cao hơn cả 3 bo mạch chủ còn lại, chẳng qua là do CPU của nó được tôi ép xung lên 4.6GHz mà thôi. Vì thế, có thể khẳng định vai trò của CPU trong sử dụng thực tế là cực kỳ quan trọng trong việc ảnh hưởng đến hiệu năng hoạt động của hệ thống. Tuy nhiên ở phần test game, dù là CPU đang ở 4.4GHz hay 4.6GHz thì cả 4 bo mạch chủ đều cho kết quả xấp xỉ bằng nhau. Tới đây vai trò chính yếu của CPU trong game đã được chuyển sang VGA khi game lấy năng lực xử lý của VGA để làm nền tảng. Tất nhiên sẽ có nhiều game chủ yếu dùng CPU để làm nền tảng như các game chiến thuật thời gian thực RTS (StarCraft 2, Total War Shogun, City XXL...), game hành động sandbox nhiều đối tượng xuất hiện trên màn hình (GTA V, Sleeping Dogs, Just Cause 2...)... Tuy nhiên số lượng đầu game như thế vẫn là con số khá nhỏ trong bức tranh toàn thể về thế giới game, số các đầu game luôn lấy tài nguyên VGA làm trọng vẫn chiếm phần lớn hơn.

      Round 2: Test lấy kết quả khi xung nhịp CPU i7-4790K được ép xung lên mức 4.7GHz với bo mạch chủ Z97 Maximus VII Gene và 4.6GHz với các bo mạch chủ còn lại.

      Chuyển qua phần ép xung, đến đây bo mạch chủ Z97 sẽ phát huy thế mạnh ép xung CPU của mình khi hầu hết các bài test đều cho kết quả có lợi cho Maximus VII Gene khi chạy i7-4790K với mức xung 4.7GHz. Trong khi đó, 3 bo mạch chủ còn lại vốn không được thiết kế dành cho ép xung CPU nên chỉ với mức xung 4.6GHz chúng thua gần như toàn bộ các bài test khi so với Maximus VII Gene. Ở bài test game, kết quả vẫn không thay đổi nhiều so với mặc định khi ở phần test này nội lực VGA sẽ quyết định chuyện thắng thua giữa các bo mạch chủ.

      Kỳ tới và hết: Thử nghiệm cùng Pentium G3258 và lời kết.
      Chỉnh sửa cuối: 18/4/15
    4. baby duck
      baby duck
      chắc chắn là nên chọn dòng Z97 rồi, hô hô. Nhưng riêng mình thì thấy B85 đã đạt đủ các yêu cầu khi lắp một máy tầm trung chơi game vi vu rồi
    5. Tot
      Tot
      H81 la vua voi em khi ep xung
      cohay thích bài này.
    6. Tot
      Tot
      Mà cho em hỏi B85,H81,H97 có ép xung với ln2 được không ạ
    7. cohay
      cohay
      được chứ nhưng k cao bằng Z97 nên chẳng ai ép với các dòng thấp phì tiền LN2 bạn ạ, còn ngược lại air thì H81 ép dư xăng rồi chẳng cần đến Z97 dồn tiền mua tải nhiệt hoặc VGA là nhất
    8. cohay
      cohay
      chủ quan quá bạn, B85 ngại trừ lý thuyết có PCI 3.0 (benchmark game thì rõ ràng 3.0 k giúp ích tý tẹo nào) thật ra chẳng hơn gì H81 cả, ngoại trừ dòng B85 có thiết kế về mặt vật lý ngon hơn (main to, heatsink to v.v...) thì đáng quan tâm!
    9. bekoyeu
      bekoyeu
      H81 bus ram kém, chỉ 2 cổng sata3.0 là ít, thường chỉ 2 khe RAM.
      Mà nhìn mạch main h81 thấy tụ tiết nghèo nàn. Có tiền thì lên Z không thì B thấy ổn. Chứ trừ phi túng mới chơi với H81.
      p/s: cá nhân thôi. Chứ Main nào + CPU thì cũng chạy vù vù cả, chẳng qua là khả năng mở rộng thêm thắt cái gì đó khác nhau thôi.

Chia sẻ trang này